Sự thực S-200 Nga cấp cho Syria không có hệ thống nhận diện địch - ta

Ngày 20/9, đã nổ ra một cuộc tranh cãi kịch liệt về việc có hay không hệ thống nhận dạng địch - ta (IFF) giữa các khẩu đội tên lửa phòng không Syria và máy bay Nga.

Trong sự kiện chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 ELINT của Nga hoạt động ngoài khơi Địa Trung Hải bị tên lửa phòng không S-200 của Syria bắn nhầm đã làm nổ ra rất nhiều tranh cãi.

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là tại sao tên lửa S-200 Angara của Syria lại không nhận biết được chiếc Il-20 ELINT của Nga là "bạn", phải chăng là hệ thống nhận diện địch - ta giữa chúng đã phát sinh lỗi.

Trước những lời cáo buộc trên, Thiếu tướng Igor Konashenkov - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ hoàn toàn đồng thời cung cấp một thông tin gây bất ngờ lớn cho giới quan sát.

Cụ thể, ông Konashenkov khẳng định mỗi quốc gia đều có hệ thống nhận dạng địch - ta riêng và Nga chưa từng lắp đặt thiết bị này trên các loại vũ khí xuất khẩu ra nước ngoài.

Thậm chí hệ thống IFF còn bị gỡ bỏ khỏi các hệ thống tên lửa phòng không phiên bản nội địa mà Quân đội Nga đang sử dụng nếu chúng thuộc diện cấp tốc nhượng lại cho đồng minh.

Thiếu tướng Konashenkov nói thêm rằng hệ thống nhận diện địch - ta và mã IFF hoàn toàn thuộc sở hữu riêng của mỗi quốc gia, chúng không bao giờ được phép cung cấp cho nước ngoài, kể cả trong chương trình hợp tác quân sự.

Nếu để lọt mã IFF và bị một đối tượng thù địch khai thác thì hậu quả sẽ là vô cùng lớn, khi tên lửa và máy bay kẻ thù sẽ dễ dàng thực hiện các cuộc tấn công vào trong lãnh thổ Nga mà không lo sợ bị các hệ thống cảnh giới phát hiện.

Nhưng ngay sau lời giải thích của Thiếu tướng Igor Konashenkov thì chuyên gia quân sự Mikhail Aleksandrov lại cho rằng rất khó có thể tin vào kết luận được đưa ra từ người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Aleksandrov bình luận rằng, nếu như quả thực các tên lửa Syria không có hệ thống nhận biết địch - ta, hoặc chúng hoạt động không hiệu quả thì không thể hiểu nổi là Nga trong suốt 3 năm qua đã tiến hành chiến tranh ở Syria như thế nào?

Không nhẽ trong suốt 3 năm đó, lúc nào các phi công Nga cũng phải nơm nớp đối mặt với rủi ro bị phòng không Syria bắn nhầm, vị chuyên gia quân sự này nhấn mạnh.

Nghi ngờ trên của chuyên gia quân sự Mikhail Aleksandrov lại càng làm dư luận hướng đến giả thiết rằng không phải khẩu đội tên lửa phòng không S-200 của Syria là "tác giả" bắn nhầm vào chiếc Il-20 ELINT.

Liệu có phải để tránh một vụ scandal nghiêm trọng với Israel - quốc gia mà Nga đang rất cần tranh thủ nên Moskva đã quyết định trút hết tội lên đầu lực lượng phòng không Syria?

Hay thậm chí vì một nguyên nhân nào đó mà chính khẩu đội tên lửa phòng không Nga triển khai bảo vệ căn cứ hải quân Tartus đã bắn nhầm vào máy bay quân nhà và gây ra thiệt hại nặng nề?

Giả thiết trên không thể xem nhẹ vì khi đó chỉ có các loại tên lửa phòng không tối tân của Nga với đạn trang bị đầu tự dẫn mới đủ khả năng bắn trúng chiếc Il-20 đang bay ở độ cao thấp và cự ly xa đến vậy.

Bức màn sương mù bao phủ quanh sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra với Không quân Nga khi tham chiến tại Syria thật đáng ngạc nhiên là ngày càng trở nên dày đặc và khó đoán chứ chẳng có dấu hiệu sớm tan đi.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su-thuc-s200-nga-cap-cho-syria-khong-co-he-thong-nhan-dien-dich-ta/782701.antd