Sự thực Tu-22M3 đã thử nghiệm Kh-47M2 Kinzhal cùng MiG-31

Ngày 19/7 đã xuất hiện bức ảnh cho thấy tiêm kích MiG-31K cùng với Tu-22M3 đeo tên lửa dưới bụng và song hành cùng nhau trong một chuyến bay.

Sau khi hình ảnh trên xuất hiện, đa phần các ý kiến đều nhận định rằng hai chiếc chiến đấu cơ của Không quân Nga đã cùng thực hiện một chuyến bay với mục đích thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal.

Điều này thực ra không có gì bất ngờ khi cách đây không lâu hãng thông tấn TASS dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bộ quốc phòng Nga cho biết rằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal sẽ sớm được thử nghiệm trên một máy bay ném bom siêu âm duy nhất.

Tuy nhiên sau khi nhìn kỹ lại bức ảnh với độ phân giải cao hơn, các chuyên gia quân sự đều khẳng định rằng quả tên lửa mà Tu-22M3 đeo dưới cánh không phải là loại Kh-47M2 Kinzhal.

Tiêm kích MiG-31K song hành cùng Tu-22M3 trong chuyến bay thử nghiệm vũ khí

Rất dễ nhận thấy so với tên lửa "Dao găm" mà chiếc MiG-31K đang mang, quả đạn của Tu-22M3 có phần đầu thuôn gọn, tỷ lệ gần như tương xứng với phần thân chứ không bị "bóp lại" như Kh-47M2 Kinzhal.

Bên cạnh đó, phần chóp của quả tên lửa treo dưới bụng máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 lại to hơn nhiều khi đặt cạnh tên lửa của MiG-31, chưa kể kết cấu cánh lái và phần đuôi cũng khác nhau.

Các nhà phân tích sau khi quan sát kỹ đã khẳng định rằng tên lửa mà chiếc Tu-22M3 mang theo là loại Kh-32, đây cũng là một tên lửa chiến lược nhưng tính năng kỹ chiến thuật khác Kh-47M2 rất nhiều.

Tên lửa không đối đất Kh-32 treo dưới cánh máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3

Theo các thông tin từng đăng tải, tên lửa Kh-32 được phát triển trên cơ sở tên lửa hành trình Kh-22 vốn là trang bị tiêu chuẩn của các dòng máy bay ném bom Tu-22M2/M3 của Không quân Nga.

Nga đã bắt tay vào việc phát triển Kh-32 từ giữa những năm 2000. Trong năm 2013, xuất hiện những bức ảnh đầu tiên của máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 lắp đặt tên lửa Kh-32 tại sân bay Zhukovsky.

Tu-22M3 có thể khai hỏa Kh-32 ở độ cao tùy chọn, sau đó quả tên lửa hành trình này sẽ cơ động lên độ cao 40 km và tự tính toán góc tấn công mục tiêu.

Kh-32 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp radar chủ động với tầm bắn lên tới 1.000 km. Ngoài tấn công mục tiêu mặt đất như kho tàng, bến bãi thì nó còn có thể sử dụng như một tên lửa đối hạm.

Do không phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh GPS/GLONASS nên khả năng gây nhiễu là rất khó. Cùng với đó, tốc độ cơ động của tên lửa đạt tới 5 km/s, tương đương tên lửa đạn đạo khiến việc đánh chặn hoàn toàn bất khả thi.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-thuc-tu-22m3-da-thu-nghiem-kh-47m2-kinzhal-cung-mig-31-3362148/