Sự thực về 'nữ quốc' thời hiện đại

Noiva do Cordeiro ở Đông Nam Brazil (Nam Mỹ) nổi danh là 'nữ quốc' thời hiện đại.

Bà María Senhorinha De Lima, người thành lập làng Noiva cùng các con và chồng. Ảnh: Paula Ramón, Nationalgeographic.com

Noiva do Cordeiro ở Đông Nam Brazil (Nam Mỹ) nổi danh là “nữ quốc” thời hiện đại, “chốn phụ nữ thống trị, xua đuổi đàn ông không đủ tiêu chuẩn và mời gọi trai tráng lý tưởng”. Tuy nhiên, khi bước chân vào đây và tìm hiểu kỹ càng lịch sử cũng như cuộc sống đương thời của nó, phóng viên Paula Ramón phát hiện nhiều điều trái ngược.

Quá khứ buồn thương

Noiva thuộc bang Minas Gerais, nằm trong khu vực hẻo lánh, được hình thành vào thập niên 1800. Người thành lập ngôi làng này là bà María Senhorinha De Lima.

Đầu thế kỷ XIX, Brazil đang dưới sự đô hộ của thực dân Bồ Đào Nha và bị ép cải đạo sang Công giáo La Mã, bắt tuân thủ giáo điều, trong đó có nguyên tắc cấm ly hôn. Thời thiếu nữ, María yêu nam thanh niên tên Chico Fernandes, nhưng lại bị ép gả cho kẻ khác. Sau ba tháng chịu đựng, bà quyết tâm bỏ trốn cùng Chico. Nhà thờ phát hiện và trừng phạt bà bằng vạ tuyệt thông với tận 4 thế hệ.

Vạ tuyệt thông là hình thức khai trừ tín đồ. Bị đuổi khỏi nơi đang sống và tương lai các con, cháu, chắt vô tội không có cơ hội được xá tội, María và Chico đành dắt nhau đi xa. Cuối cùng, họ đến nơi mà bây giờ là làng Noiva, khai khẩn đất hoang, dựng nhà cửa và sống biệt lập.

Ngoài María và Chico, Brazil vẫn còn những cặp đôi bất chấp giáo lý khác và bị phạt vạ tuyệt thông. Bước đường cùng, họ tụ tập xung quanh María và Chico, dần dà hình thành cộng đồng nhỏ.

Suốt nhiều thập niên, phụ nữ của làng Noiva bị xem như tội nhân và trẻ em của Noiva bị hắt hủi, xa lánh. Khi đi học, các em bị cả thầy cô lẫn bạn bè làm lơ. Dù vậy, Noiva không hề suy tàn mà ngược lại, ngày càng đông dân cư hơn.

Suốt nửa cuối thế kỷ XX, phụ nữ làng Noiva từng không có tự do và nhân quyền. Ảnh: Paula Ramón, Nationalgeographic.com

Nửa thế kỷ… gia trưởng

Toàn bộ dân cư của Noiva là những người bị nhà thờ đuổi đi vì vi phạm giáo điều. Bất kể tội trạng của họ là gì, Noiva đều sẵn lòng khoan dung và mở rộng vòng tay chào đón. Thiếu sự công nhận và giúp đỡ của xã hội, cuộc sống trong Noiva rất đỗi khó khăn. Thập niên 1940, mọi chuyện càng tệ hơn vì trong làng xuất hiện nhà truyền đạo Tin lành tên Anisio Pereira.

Anisio xây dựng nhà thờ, đưa ra quy củ hạn chế rượu bia, âm nhạc và bắt phụ nữ phải phục tùng đàn ông tuyệt đối. Thập niên 1960, ở tuổi 45 và trên đỉnh cao quyền lực, Anisio cưới cháu gái mới 16 tuổi của bà María - Delina Fernandes.

“Cha tôi quá cuồng tín”, Rosalee Fernandes Pereira (58 tuổi), con gái thứ 3 của ông thừa nhận. Năm 1995, Anisio qua đời. Suốt nửa thế kỷ lúc sinh thời, ông chưa từng bị hạ bệ. Tuy nhiên, ngay khi ông vừa tạ thế, nhà thờ cũng bị đóng cửa và đập bỏ.

Cộng đồng tự do nhất

Sau khi ông Anisio mất, bà Delina đứng lên làm trưởng làng. Thay vì duy trì quan niệm gia trưởng của chồng, bà xóa bỏ tất cả và trao quyền làm chủ cho phụ nữ.

Thú vị là tất cả đàn ông trong làng đều ủng hộ bà Delina. “Phụ nữ ở đây là những người làm lụng chăm chỉ, có phẩm chất đạo đức tốt nhất, xứng đáng được tuyên dương và xem như những tấm gương. Người phụ nữ nổi bật nhất, tất nhiên là bà Delina. Với chúng tôi, bà ấy là mặt trời chân lý. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống mà không có bà ấy”, Marcos Fernandes, nam cư dân của Noiva tuyên bố.

Dưới sự dẫn dắt của bà Delina, cuộc sống trong làng Noiva vô cùng vui vẻ, hòa bình. Để phát triển kinh tế, họ cùng nhau mua một mảnh đất rộng và trồng 3.500 cây quýt với nhiều cà phê, chung sức chăm bón và thu hoạch.

Bà Delina Fernandes (người ngồi ghế), trưởng làng hiện tại và các con cháu. Ảnh: Paula Ramón, Nationalgeographic.com

Mỗi hộ Noiva đều tích cực trồng rau, quả, chia sẻ với mọi người và nhận sự sẻ chia từ người khác. Trong làng có nhà sinh hoạt chung, mọi người thường tụ tập cùng nhau làm việc, ăn uống, vui chơi. “Chúng tôi chưa giàu có hay dư dật tiền bạc, nhưng luôn tràn đầy tình yêu thương và nụ cười”, bà Delina tự hào.

Tiếng là “nữ quốc”, nhưng dân số chia theo giới tính của Noiva ngang bằng nhau. Nguyên nhân nơi này vắng bóng đàn ông là vì họ bận làm việc hoặc ăn học ở các thành phố, chỉ ngày nghỉ mới về nhà. Vài năm trước, chàng trai trẻ tên Erick Aráujo Vieira đang theo học đại học đã về làng và tìm tới Delina, thú nhận với bà là người đồng tính.

“Thằng bé khóc mếu và nói rằng nó biết đã phạm lỗi, sẽ không được Chúa dung tha. Tôi lập tức bảo nó hãy bỏ ngay cái suy nghĩ đấy ra khỏi đầu”, bà Delina kể lại. Sau khi an ủi Erick, bà cùng 2 con gái là Keila và Marcia bàn bạc về việc dàn dựng một vở kịch để diễn trong nhà sinh hoạt chung với mục đích giải quyết các nghi vấn về bản sắc và xu hướng tình dục. Vở kịch này được mọi người yêu thích và giúp Erick tự tin hơn.

Trước thời điểm này, Noiva chưa có trường hợp đồng tính nào. Ban đầu, cha mẹ của Erick khá sốc và đòi từ con trai. Nhờ dân làng khuyên nhủ và bày tỏ thái độ cởi mở, họ dần nguôi ngoai và chấp nhận Erick.

Noiva có lệ tổ chức biểu diễn vào thứ Bảy hàng tuần. Mọi người tự sáng tác kịch, chương trình tài năng… và tập luyện. Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố Rio có 6 giờ xe, nhưng không người dân nào muốn rời bỏ làng.

“Trong mắt người đời, Noiva giống như nữ quốc, nơi phụ nữ thống trị đàn ông nhưng thực tế không phải vậy. Ở đây, nam – nữ bình đẳng với nhau, xu hướng tình dục khác biệt cũng không phải là vấn đề. Chúng tôi chỉ đơn giản là những con người tự do, thuần túy”, chị Rosalee vui vẻ chia sẻ.

Theo Nationalgeographic

Ninh Thị Thơ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-thuc-ve-nu-quoc-thoi-hien-dai-post654336.html