Sự tích ngày ông Ngâu - bà Ngâu mùng 7 tháng 7 âm lịch

Ngày ông Ngâu- bà Ngâu (mùng 7 tháng 7 âm lịch) còn được gọi là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ, ngày lễ Thất tịch ở một số nước châu Á. Đối với người Việt Nam, ngày ông Ngâu - bà Ngâu nhuốm màu tình yêu cổ tích.

Sự tích ngày ông Ngâu - bà Ngâu

Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa dưới hạ giới có chàng chăn trâu tên là Ngưu Lang. Vì quá say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải là Chức Nữ nên Ngưu Lang đã bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư.

Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên đã trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng biết chuyện đã giận dữ và bắt cả hai phải ở cách xa nhau. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7/7 âm lịch.

Tuy nhiên, lúc này sông Ngân hà trên thiên đình không có cây cầu nào nên Ngọc Hoàng đã ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang-Chức Nữ được gặp nhau.

Sự tích ngày ông Ngâu - bà Ngâu mùng 7 tháng 7 âm lịch (ảnh internet)

Sự tích ngày ông Ngâu - bà Ngâu mùng 7 tháng 7 âm lịch (ảnh internet)

Những người thợ mộc dưới trần thế được đưa lên để xây cầu. Nhưng vì mạnh ai nấy làm, không ai chịu nghe ai nên họ cãi nhau chí chóe, đến kỳ hạn mà cầu vẫn chưa được xây xong. Ngọc Hoàng bực tức đã bắt những người thợ mộc hóa kiếp làm quạ để lấy đầu làm cầu cho Ngưu Lang-Chức Nữ gặp nhau.

Cứ đến tháng 7 âm lịch, loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc ô kiều. Khi chúng gặp nhau nhớ lại chuyện cũ lại lao vào cắn mổ khiến lông cánh xác xơ. Ngưu Lang, Chức Nữ thấy thế đã ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông trên đầu. Đây cũng chính là lý do mà cứ đến tháng 7, loài quạ lông thường bị xơ xác và đầu bị rụng hết.

Đặc biệt, vào ngày gặp nhau rồi lại tiễn biệt, Ngưu Lang và Chức Nữ đã khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần và hóa thành cơn mưa phùn dai dẳng, được những người dưới trần gian đặt tên là mưa Ngâu. Người Việt vì thế gọi ngày này một cách thuần Việt là ngày ông Ngâu - bà Ngâu.

Sự tích về ngày này tuy còn một số biến thể nhưng tựu trung lại vẫn ca ngợi tình yêu chung thủy và nỗi nhớ mong trong tình yêu. Vì thế nó từng đi vào trong thơ ca, nhạc họa ở Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng.

Ví dụ như nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết: "Đây là dải ngân hà/ Anh là chim Ô Thước/ Sẽ bắc cầu nguyện ước/ Mỗi đêm một lần qua". Hoặc giai điệu bài hát Mưa ngâu của nhạc sĩ Thanh Tùng từng khiến bao đôi lứa yêu nhau xúc động...

Ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngày 7 tháng 7 âm lịch được xem như ngày lễ tình yêu. Những cặp đôi yêu nhau thường lên chùa làm lễ và cầu mong cho tình duyên được son sắt. Họ cũng có thể hẹn hò cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang-Chức Nữ.

Hải Đăng (t/h)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/tu-van/ngay-7-thang-7-am-lich-la-ngay-gi-mua-ngau-la-gi-262210.html