Sự toàn vẹn của châu Âu gặp rủi ro vì Mỹ?

Theo đại biểu Nghị viện châu Âu (EP), Mỹ trừng phạt Nord Stream 2 khiến 'sự toàn vẹn của châu Âu gặp rủi ro'.

Đây là quan điểm của bà Mathilde Androuet, đại biểu Nghị viện châu Âu (EP) của Pháp khi Mỹ đã buộc hơn 120 công ty châu Âu rút khỏi dự án Nord Stream 2.

Theo bà Androuet, Mỹ có ý định gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống Nord Stream 2. Bà cho biết, các biện pháp hạn chế sẽ không chỉ được áp dụng đối với các công ty bán hoặc cho thuê các tàu chuyên đặt ống còn còn áp dụng đối với tất cả các tổ chức tạo điều kiện cho việc sử dụng các tàu đó trong dự án.

Đại diện của Pháp tại EP nói thêm rằng, "danh sách đen" của Washington, bắt đầu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, đã được mở rộng để gây tác động đến các công ty tham gia dự án, dù là gián tiếp.

Từ đây, bà Androuet đề nghị châu Âu cần thực hiện các hành động cụ thể để "chống lại các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ", vì Nhà Trắng bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Chính sách trừng phạt của Mỹ thể hiện một "cuộc tấn công trực tiếp vào lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia của EU", bà Androut giải thích.

Bà nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên châu Âu lên án các quyết định đơn phương của Nhà Trắng.

Đại biểu Nghị viện châu Âu kêu gọi chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2

Đại biểu Nghị viện châu Âu kêu gọi chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2

Về vấn đề này, trong một tuyên bố ngày 17/7/2020, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrel, đã bày tỏ sự bất đồng về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn hại đến lợi ích của châu Âu.

Mặt khác, vào ngày 22/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Net Price đã nêu bật những lo ngại của Washington về đường ống dẫn khí. Theo ông này, Nord Stream 2 sẽ là một "thỏa thuận tồi tệ" đối với châu Âu vì nó sẽ làm tăng ảnh hưởng của Nga trong khối, như đã chỉ ra trong một bài đăng trên Twitter vào ngày 18/3.

Trước những tuyên bố của ông Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, hôm 23/2 tuyên bố rằng việc Mỹ phản đối mạnh mẽ đường ống này là vì lý do địa chính trị.

"Washington đang phá hoại các nguyên tắc cơ bản của thương mại tự do để làm hài lòng lợi ích của chính mình", bà Zakharova nhấn mạnh.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đường ống Nord Stream 2 là một trong những điểm xung đột chính trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sau khi hoàn thành dự án, khí đốt của Nga dự kiến sẽ đến được Trung Âu. Washington nhận định rằng, điều này sẽ là một công cụ để Nga gia tăng sự kìm kẹp của mình đối với châu Âu.

Vào tháng 12/2019, chính quyền Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với công ty Thụy Sĩ Allseas, buộc công ty Gazprom của Nga phải đình chỉ công việc trong hơn một năm. Sau đó, trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Washington đã lên kế hoạch đưa ra các biện pháp chống lại tất cả các công ty châu Âu hợp tác với Nga trong việc xây dựng Nord Stream 2.

Tháng 1/2021, cựu lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo, tất cả các công ty, trong bất kỳ tư cách nào, đã hợp tác Gazprom để xây dựng đường ống Nord Stream 2 phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Chính vì thế, không chỉ có năm nhà tài chính của công trình, như Shell, Uniper, Wintershall Dea, OMV và Engie, mà bất kỳ ai đã đảm nhận vai trò vận hành đường ống cũng phải chịu sự trừng phạt này.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/su-toan-ven-cua-chau-au-gap-rui-ro-vi-my-3429628/