Sự tôn trọng và những trụ cột cho phát triển được thiết lập

Ngay sau khi Hiệp định Đối tác Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP được ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm New Zealand và Australia, hai thành viên của CPTPP, hai đối tác quan trọng trên nhiều mặt của ta.

Theo thông tin báo chí quốc tế, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt nền tảng quan trọng với những cơ hội thực chất và lợi ích thật sự cho địa phương, doanh nghiệp trong kết nối kinh tế. Kết quả chuyến thăm cũng đã nâng tầm vị thế Việt Nam nhiều mặt.

Nói nâng tầm vị thế Việt Nam bởi cả New Zealand và Australia đều dành nghi thức lễ đón cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ với 19 loạt đại bác và các nghi thức trang trọng dành cho khách quý, trong đó có nghi thức theo phong tục của người Maori - New Zealand. Thứ hai, tại New Zealand và Australia, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học hai nước đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác (tại New Zealand là 12; tại Australia là 24), tạo thêm khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, quốc phòng, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, khoa học-công nghệ…. Thứ ba, qua chuyến thăm của Thủ tướng, chúng ta đã nâng cấp quan hệ với cả New Zealand và Australia, theo đó, nâng cấp lên đối tác chiến lược với những nội hàm cụ thể với Australia và với New Zealand là, tăng cường hơn nữa các nội hàm của quan hệ đối tác toàn diện, khẳng định quyết tâm và đề ra lộ trình cụ thể để hướng tới thiết lập đối tác chiến lược trong tương lai gần. Đó là sự tôn trọng của các bạn đối với Việt Nam và Thủ tướng.

Qua 36 văn kiện thỏa thuận hợp tác mà các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và các trường đại học mà chúng ta đã ký với New Zealand và Australia, thấy chúng ta đã khai thác tất cả các thế mạnh của bạn. Các cam kết của bạn về mở cửa thị trường nông sản, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho một số ngành nông nghiệp mũi nhọn của ta như trồng cây ăn quả, sản xuất lúa gạo, sản xuất và chế biến sữa, trồng và chế biến cây macca…, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Một trụ cột quan trọng đối với sự phát triển đất nước được Thủ tướng đặc biệt coi trọng và đã mang về kết quả rất khả quan, đó là hợp tác về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc coi trọng hợp tác giáo dục và đào tạo được coi là bước đi có tầm nhìn dài hạn, bởi con người có kỹ năng, là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Thứ hai, với ba trụ cột hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (đào tạo nhân lực nông nghiệp, khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữa cơ, nông nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy thương mại nông sản hai chiều) mở ra cơ hội để chúng ta khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai, khí hậu, con người, qua đó tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Vấn đề còn lại là việc khai triển những thỏa thuận đó như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Mong rằng, tư lệnh các ngành, các lĩnh vực chỉ đạo các cơ quan chức năng có cách tiếp cận toàn diện và chủ động; trên dưới cùng nóng trong triển khai thực hiện.

Thanh Hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/su-ton-trong-va-nhung-tru-cot-cho-phat-trien-duoc-thiet-lap-post18035.html