Sự trở lại của một triều đại

Năm 1986, Tổng thống bị lật đổ Ferdinand Marcos cùng gia đình ông buộc phải rời khỏi Philippines trong sự phản đối của người dân, sau 2 thập kỷ nắm quyền với 'bàn tay sắt'.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hơn 30 năm sau, ngày 11/5/2022, con trai ông tuyên bố chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Philippines diễn ra tuần này với cam kết là “nhà lãnh đạo của tất cả người dân Philippines”.

Theo kết quả kiểm sơ bộ gần như tất cả các phiếu, ông Ferdinand Marcos Jr. đã giành hơn 56% phiếu ủng hộ, nhiều hơn gấp đôi số phiếu của đối thủ đứng sau liền kề là ứng cử viên tự do Leni Robredo.

Nếu được Ủy ban Bầu cử xác nhận, ông sẽ trở thành Tổng thống mới của Philippines trong nhiệm kỳ 6 năm, đánh dấu sự trở lại của gia đình Marcos sau gần 4 thập kỷ, cùng với bà Sara Duterte, con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, là Phó Tổng thống của ông.

Giới phân tích cho rằng, từ khi ông Marcos cha bị lật đổ và phải ra đi, gia đình ông đã có ý định trở về. Trong bộ phim tài liệu The Kingmaker, bà Imelda Marcos, vợ ông đã miêu tả số phận của con trai họ là phải trở thành Tổng thống. Và giờ điều đó đã thành hiện thực.

Ferdinand Marcos Jr. hay còn gọi là “Bongbong” được giáo dục ở Philippines và sau này học chính trị, triết học và kinh tế ở Đại học Oxford, Anh Quốc. Trong nhật ký của Marcos cha, có lần ông đã tỏ ra lo lắng rằng, con trai ông thiếu các phẩm chất cần thiết cho tương lai, nhưng sau đó ông nói thêm: “Tôi đã nói với con trai rằng vì chúng ta có kẻ thù nên con phải chiến đấu những cuộc chiến như tôi đã từng trong quá khứ, chống lại chính bản thân và chống lại hoàn cảnh”.

Sau khi học đại học, ở tuổi 23, Marcos Jr. trở thành Phó Thống đốc tỉnh Ilocos Norte quê hương ông, và sau thành Thống đốc. Khi cha ông bị lật đổ, Marcos Jr. 29 tuổi.

Marcos cha mất năm 1989 khi đang lưu vong. Nhưng gia đình ông được trở về nước những năm 1990 và Marcos Jr. bắt đầu lập lại sự nghiệp chính trị, một lần nữa trở thành Thống đốc Ilocos Norte, thành trì của gia đình ông, rồi trở thành hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ.

Năm 2016, ông ra ứng cử Phó Tổng thống nhưng thất bại trước ứng cử viên Leni Robredo. Còn trong cuộc bầu cử 2022 này, Robredo lại thất bại để Marcos Jr. trở thành Tổng thống Philippines.

Marcos Jr. thường bác bỏ những tranh cãi về thời kỳ cầm quyền của cha ông. Chiến dịch tranh cử của ông mang khẩu hiệu “Chúng ta sẽ cùng nhau trỗi dậy”, trong đó hứa hẹn sự thống nhất và quay trở lại những gì ông đã miêu tả là một đất nước Philippines vĩ đại trước đây.

Ông cũng cam kết ưu tiên việc làm và giảm chi phí sinh hoạt, bao gồm cả việc giảm giá gạo, mặc dù các nhà phê bình cho rằng các đề xuất như vậy vẫn thiếu chi tiết. Ông khẳng định sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước bằng cách giải quyết các hậu quả của Covid-19, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nông nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Về đối ngoại, nhiều người lo rằng chiến thắng của ông Marcos Jr. sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của Philippines với Mỹ và đẩy nước này về phía Trung Quốc như người tiền nhiệm của ông đã làm.

Theo giới phân tích, quan hệ với Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ phản ứng thế nào với sự trở lại của gia đình Marcos. Liên minh Mỹ - Philippines được xem là quan trọng với an ninh và thịnh vượng của cả hai nước, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung.

Nhưng rõ ràng nhiều người ủng hộ gia đình Marcos vì cho rằng thời kỳ cầm quyền của Marcos cha là một đất nước thịnh vượng với nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện khắp nơi. Giờ đây, những hy vọng của người dân vào sự phục hồi sau đại dịch đã khiến họ tin tưởng vào cam kết của Marcos Jr.. Ông tuyên bố rằng “đánh giá tôi không phải từ nguồn gốc của tôi mà từ hành động của tôi” - đó cũng là điều mà người dân đang mong đợi.

Mỹ Hằng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/su-tro-lai-cua-mot-trieu-dai-XXZrCjl7R.html