Sự trở lại của tranh Việt đầu thế kỷ 20

Sức sống của tác phẩm hội họa do các cố họa sĩ VN sáng tác đang được thể hiện qua buổi đấu giá ở thị trường nước ngoài và triển lãm trong nước.

Tranh về Hà Nội của cố họa sĩ Lê Văn Xương được triển lãm tại TP.HCM - Ảnh: Ngô Kim - Khôi

Ngoài sự kiện bức tranh Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) vừa được bán hôm 22.10 với giá kỷ lục 440.000 euro (gần 12 tỉ đồng) thì một số tác phẩm khác của các cố họa sĩ VN cũng được Nhà đấu giá Aguttes ở Paris (Pháp) bán ra với mức giá hơn mong đợi. Điển hình là bức tranh Trường nghệ thuật Decorative, Gia Định của họa sĩ Lê Thy (1919 - 1961) có mức giá khởi điểm 2.000 - 3.000 euro (khoảng 53 - 80 triệu đồng) nhưng được bán ra với giá 14.000 euro (hơn 370 triệu đồng); hay bức Cảnh đường phố Hà Nội những năm 1980 của họa sĩ Phạm Văn Đôn (1918 - 2000) khởi điểm 1.500 - 2.000 euro (khoảng 40 - 53 triệu đồng) đã lên tới 10.500 euro (khoảng 280 triệu đồng). Bức tranh Mẹ mặc đồ cho con của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) bán được với giá 85.000 euro (hơn 2,2 tỉ đồng), tranh Hoa trong bình của họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908 - 2000) có giá bán 35.000 euro (hơn 930 triệu đồng). Bức tranh Vuốt ve của họa sĩ Lê Phổ (1907 - 2001) được bán ra với giá 80.000 euro (hơn 2,1 tỉ đồng).

Không chỉ xuất hiện tại các phiên đấu giá ở nước ngoài mà tác phẩm của các cố họa sĩ Việt còn trở lại thông qua triển lãm trong nước. Như hồi tháng 9, người yêu mỹ thuật có dịp thưởng lãm 101 tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Xương (1917 - 1988) tại triển lãm Điều Kỳ Diệu - Choses Magnifiques ở khách sạn Park Hyatt Saigon (Q.1, TP.HCM). Ông là một trong những họa sĩ VN đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân trước năm 1954. Theo tư liệu của nhà sưu tập Lê Y Lan cũng là con của cố họa sĩ Lê Văn Xương thì năm 1941, ông mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt. Năm 1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cùng thời điểm đó, ở Hà Nội, tranh của họa sĩ Lê Năng Hiển (1921 - 2014) được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) thông qua triển lãm Năng Hiển - Zuy Nhất. Họa sĩ Lê Năng Hiển là một trong những họa sĩ vẽ tranh lụa hàng đầu tại VN. Gần đây, 54 tác phẩm với chủ đề Còn đó trong tranh của họa sĩ Phạm Huy Tường (1934 - 2002) được trưng bày tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 26.9 - 6.10.

Một cố họa sĩ khác cũng được người yêu mỹ thuật VN biết đến thông qua cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp Thang Trần Phềnh của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim - Khôi phát hành vào tháng 8 vừa qua. Họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895 - 1973) được mệnh danh là một trong những tia nắng ban mai rực rỡ trong buổi bình minh của nền mỹ thuật Việt hiện đại. Theo ông Ngô Kim - Khôi, khi “đi vào cuộc đời” của họa sĩ Thang Trần Phềnh, mọi người sẽ có cái nhìn tổng quan về thời kỳ đầu của nền hội họa Đông Dương nói riêng và VN nói chung.

Diễm Thư

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/su-tro-lai-cua-tranh-viet-dau-the-ky-20-1016686.html