Sự trống trải và sự thách thức

Hôm qua tôi hỏi một nhà văn danh tiếng, đánh giá thế nào về văn học dành cho thiếu nhi. Anh nói khá nặng lời: 'Đa số là bất tài ăn dỗ trẻ con, được mỗi 'Đất rừng phương Nam' (Đoàn Giỏi), 'Dế mèn phiêu lưu ký' (Tô Hoài)... Thấy đám viết cho thiếu nhi là trong bụng đã coi thường'.

Sách dịch thiếu nhi cũ và mới - rằng hay thì thật là hay...

Sách dịch thiếu nhi cũ và mới - rằng hay thì thật là hay...

Mấy chục năm trước có nhà văn cũng giễu cợt rằng văn học thiếu nhi của ta đa số là những cuốn sách “do người lớn hạ cố viết bố thí cho trẻ con” còn giờ văn ở mái trường phổ thông là “những giờ học thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ”. Báo chí cho trẻ em còn thê thảm hơn nữa, lòe loẹt xanh đỏ và sáo rỗng.

Dù sao thì, có vẻ trước kia con trẻ còn có cái mà đọc chứ bây giờ, nếu báo chí không đưa tin Nguyễn Nhật Ánh lại ra sách mới thì dễ tưởng mảng văn học thiếu nhi nội đã bị bỏ bẵng, bởi ít nghe nói quá. Trống trải.

Thế hệ chúng tôi lớn lên bằng những cuốn sách thiếu nhi Liên xô, các nước xã hội chủ nghĩa, Tây Âu và Mỹ, còn sách nội thì đọc thượng vàng hạ cám từ “Đất rừng phương Nam”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Sao Khuê lấp lánh”, “Những vì sao đất nước”…cho đến những tác giả tác phẩm ít tiếng tăm hơn. Tôi còn nhớ có một cuốn viết về gương học giỏi các tỉnh tên là “Cây thơm cái lá cũng thơm” của Nguyễn Bùi Vợi. Đọc tuốt chả từ cái gì.

Thời đó ít trò, nên đọc ám ảnh mãi. Chẳng hạn thấy Tô Hoài tả món rau ngót nướng trong tiểu thuyết “Đảo hoang”, sao mà giỏi thế, như thể không món nào ngon hơn.

Tiếng Việt và ẩm thực Việt khiến người Việt nào cũng tự hào, có vẻ như vậy. Từ tiếng Việt đến văn học Việt, nhất là văn học thiếu nhi, lại xa vời! Hoàn cảnh lắm. Có cảm giác nhà văn không viết được cho người lớn thì mới khai phá mảng trẻ con. Trong khi đó, tôi quan niệm một cuốn sách gọi là hay cho thiếu nhi thì người lớn đọc cũng phải thích. Một bộ phim trẻ em cũng vậy.

Sau khi đọc hết 8 tập Harry Potter thì con và mấy đứa cháu tôi mắt vốn cận nay càng đờ dại. Nhưng động viên chúng ngó ngàng văn học trong nước đâu dễ. Phải chăng một khi đã say sưa với nhạc Hàn nhạc Tây nhạc Mỹ và phim Mỹ, thì văn chương cũng phải đồng bộ? Ngày xưa mình say mê “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”, “Đội du kích thiếu niên thành Huế”…nhưng bây giờ những cuốn như vậy không thể lung lạc bọn trẻ nữa? Còn mình giờ đọc lại có thấy thú vị hay lại tự cười thời ấu trĩ, cũng là vấn đề.

Đó là thách thức dành cho các nhà văn Việt Nam: Nếu đề tài cũ thì văn chương, hình thức nghệ thuật phải chịu được thử thách của thời gian, còn nếu sản xuất vào thời này thì từ cách kể cho đến câu chuyện đều phải mang hơi thở thời đại, tiến kịp thời đại. Và cũng không trách được các nhà xuất bản liên tục cho ra sản phẩm ngoại bởi nó vẫn bán chạy, mà văn học trong nước thì vừa thiếu vừa yếu. Vả lại khai phá vùng đất lạ, miền văn hóa khác cũng là điều cần thiết. Chỉ có điều, chưa đủ.

Một giải thưởng văn học thiếu nhi tên là Dế Mèn vừa ra mắt, chưa biết sẽ trồng trọt, gặt hái thế nào. Giờ này mới kêu gọi hãy chiếu cố quan tâm trẻ em, e rằng quá muộn. Chả nhẽ lại mong bọn chúng lớn thật nhanh, đốt cháy giai đoạn, để đỡ đau đầu? Dù thế nào, để trẻ con loay hoay bơi trong biển của những sản phẩm ngoại lai, hay dở lẫn lộn trong khi hoàn toàn xa lạ với văn học nghệ thuật nước mình, thì lỗi đâu của riêng ai.

Dương Thị

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/su-trong-trai-va-su-thach-thuc-1687862.tpo