Sự tương phản rõ nét giữa người giàu và người nghèo ở Nam Phi

Sự chia tách đã cho phép chính phủ giảm thiểu quyền tiếp cận của cộng đồng người da đen tới giáo dục, việc làm chất lượng cao và các nguồn lực đô thị, dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo nghiêm trọng.

Hình ảnh rõ nét về sự phân biệt giữa khu người giàu và khu người nghèo ở Nam Phi. (Ảnh: Johnny Miller/Businessinsider)

Hình ảnh rõ nét về sự phân biệt giữa khu người giàu và khu người nghèo ở Nam Phi. (Ảnh: Johnny Miller/Businessinsider)

Trong suốt gần 50 năm, sự đàn áp và phân biệt chủng tộc có hệ thống đã bóp nghẹt đất nước Nam Phi. Khi thế cờ được đảo ngược vào đầu những năm 90 và pháp luật được cải cách, chủ nghĩa apartheid đã kịp ngấm sâu vào cấu trúc của quốc gia này.

Đường giao thông, sông ngòi và những cánh đồng giống như những "vùng đệm" để chia tách dân cư theo chủng tộc.

Năm 2016, nhiếp ảnh gia Johnny Miller đã thực hiện dự án nhiếp ảnh nhằm ghi lại "cấu trúc của nạn phân biệt chủng tộc" từ trên cao.

Sự chia tách đã cho phép chính phủ giảm thiểu quyền tiếp cận của cộng đồng người da đen tới giáo dục, việc làm chất lượng cao và các nguồn lực đô thị, dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo nghiêm trọng. Các bức ảnh chụp từ trên cao của Miller đã thể hiện được sự tương phản này một cách rõ ràng nhất từ trước tới nay.

Miller chia sẻ một số bức ảnh của anh với chúng ta. Bạn có thể xem thêm trên trang web dành riêng cho dự án của anh mang tên Unequal Scenes.

Cape Town là một thành phố có một không hai. "Thành phố cực kỳ xinh đẹp," Miller chia sẻ, "và là sự pha trộn tinh túy của Nam Phi giữa thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba."

Người da đen đã phải chịu cảnh không có quyền bầu cử trong suốt hàng trăm năm. Kể từ năm 1948, apartheid đã bảo trợ cho sự phân biệt chủng tộc bằng luật pháp.

Apartheid cũng đã đưa ra những tên gọi để phân biệt giữa những người da màu đến từ các vùng khác nhau. Người da đen đến từ Eastern Cape và nói tiếng Xhosa, trong khi người pha trộn chủng tộc, được gọi là "người da màu", hậu duệ của những nô lệ từ Indonesia và Madagascar hoặc người Khoisan bản địa.

Trong những năm sau đó, người da đen đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở các vùng nông thôn và chuyển tới sống trong các khu ổ chuột. Những khu vực này được đặt cách xa nhau để ngăn không cho người da đen thống nhất lại.

Ngay cả màu sơn cũng được dùng để phân biệt giữa khu người giàu và khu người nghèo. (Ảnh: Johnny Miller/Businessinsider)

Apartheid đã không còn là luật pháp nữa. Tuy nhiên, 50 năm sau khi luật apartheid được đưa ra, nhiều cư dân da đen vẫn đang phải sinh sống trong các khu nhà tạm bằng tôn, xung quanh là đất cát khô cằn cách xa thành phố.

Những người giàu có da trắng đã chiếm những khu vực thuận lợi hơn ở vùng bờ biển Đại Tây Dương và gần núi Table, gần gũi hơn với khu vực trung tâm thành phố và các tài nguyên của nó.

"Điều thú vị là đôi khi bạn thấy những cộng đồng rất nghèo mà, vì lý do này khác, tồn tại ngay giữa những khu dân cư giàu có," Miller cho biết.

Miller muốn phản ánh lại những khu vực này. Anh đã sử dụng một trang web có thể biến dữ liệu điều tra dân số thành một bản đồ tương tác, phân loại dân cư theo sắc tộc, thu nhập và ngôn ngữ.

Google Maps giúp anh xác định các khu an toàn nơi anh có thể cho cất cánh và hạ cánh chiếc máy bay không người lái DJI Inspire One.

Kết quả thật đáng kinh ngạc. "Tôi biết rằng sự chia tách là rất rõ nét," Miller cho biết, "nhưng tôi đã không nhận ra tình hình nghiêm trọng ra sao cho tới khi bay lên trên không."

(Ảnh: Johnny Miller/Businessinsider)

Một trong số những bức ảnh ưa thích của Miller đã cho thấy sự tương phản giữa Alexandra, một thị trấn từng là nơi sinh sống của nhà lãnh đạo Nelson Mandela, và khu đô thị "như Manhattan" Sandton.

Những bức ảnh của anh đã được hàng trăm nghìn người trên thế giới chiêm ngưỡng, gây ra một loạt các phản ứng, trong đó có cả những lời bình luận đầy mù quáng.

"Người ta sợ cái mà họ chưa biết, sợ một ai đó với ngôn ngữ khác, màu da khác, văn hóa khác," Miller cho biết. "Nỗi sợ đó là dễ hiểu, có cơ sở dựa trên lịch sử và hoàn cảnh, nhưng nó cũng cần được thay đổi"./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/su-tuong-phan-ro-net-giua-nguoi-giau-va-nguoi-ngheo-o-nam-phi/413557.vnp