Sự tuyệt vọng của giới trẻ Hàn Quốc: Có bằng đại học danh giá, công việc tốt nhưng không thể mua nhà, đầu cơ chứng khoán là cách duy nhất 'thoát nghèo'

Jenny Lee - cô gái 27 tuổi vừa tìm được việc làm sau 1 năm thất nghiệp, chia sẻ: 'Tại Hàn Quốc, chúng tôi chỉ có 2 cách để làm giàu, một là trúng xổ số, hai là đầu tư cổ phiếu.'

Jenny Lee là một cô gái 27 tuổi, không có việc làm trong khoảng 1 năm nay. Cô "ôm" một giấc mơ, đó là sở hữu 1 căn hộ ở Seoul – nơi giá nhà trung bình khoảng 1 triệu USD/căn. Hiện tại, Jenny đang sống trong một căn phòng đi thuê tại khu chung cư gần Seoul.

Cô gái trẻ thậm chí còn không có tấm bằng đại học danh giá để có thể làm việc tại những công ty đáng mơ ước như Samsung, trong khi lại sống trong một quốc gia vốn tình trạng gia trưởng vẫn tồn tại. Do đó, Jenny đã nghĩ ra một cách để kiếm tiền nhanh, đó là đầu cơ chứng khoán trong ngày.

Tổng dư nợ ký quỹ mà giới trẻ Hàn Quốc (ở độ tuổi khoảng 20) sử dụng để đầu cơ chứng khoán (đơn vị: tỷ won).

Tổng dư nợ ký quỹ mà giới trẻ Hàn Quốc (ở độ tuổi khoảng 20) sử dụng để đầu cơ chứng khoán (đơn vị: tỷ won).

Jenny vừa tìm được việc tại một bệnh viện và đó là giải pháp có lẽ là tốt nhất ở thời điểm dịch bệnh lây lan như hiện nay. Cô gái chia sẻ: "Tại Hàn Quốc, chúng tôi chỉ có 2 cách để làm giàu, một là trúng xổ số, hai là đầu tư cổ phiếu. Chúng tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ trở nên giàu có với bất kỳ mức lương nào và cũng không bao giờ đủ tiền để mua nhà."

Hiện tại, Jenny đang đặt cược vào cổ phiếu công nghệ Mỹ. Jenny là một trong hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc chiếm tới 65% giá trị giao dịch của chỉ số Kospi trong năm nay, tăng từ mức 48% trong năm 2019. Phần lớn các nhà đầu tư "tay mơ" này nằm trong độ tuổi từ 20 đến 30 và nhiều người trong số họ đang phải gánh nợ, bởi lượng giao dịch ký quỹ đã tăng 33% từ tháng 12 đến tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên, điều đặc biệt đó là nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi này kỳ vọng việc cổ phiếu tăng giá sẽ giúp họ đổi đời, trong bối cảnh triển vọng tương lai vốn đã mờ nhạt còn trở nên tồi tệ hơn khi đối diện với đại dịch. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của những "chaebol" vốn đã bị ảnh hưởng bởi sự đình trệ của toàn cầu hóa trước dịch bệnh. Giờ đây, cơ hội việc làm còn bị thu hẹp hơn và việc đi vay thế chấp cũng khó khăn hơn nhiều.

Nhiều chaebol ở nước này, như SK Group, đang ngừng tuyển dụng. Tỷ lệ thất nghiệp đối với những người ở độ tuổi thanh niên (15 đến 29 tuổi) đạt mức 10,1% trong quý II, cao hơn nhiều so với tổng số 4,4%. Trong tháng 8, 1 nửa trong số 682.000 người ở độ tuổi 20-30 đã từ bỏ tìm việc.

Hiện tại, Jenny đang ôn tập cho một kỳ thi để có thể được nhận vào bộ phận dịch vụ dân sự. Tỷ lệ chọi của kỳ thi này thường là 1/40, trong khi mức lương chỉ là 1.500 USD/tháng. Trong khi đó, nếu được làm việc tại một chaebol, thì lương khởi điểm của cô sẽ là 34.000 USD/năm.

Các hộ gia đình tại Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất vào bất động sản trong số những thị trường lớn của thế giới.

Jeon Kyung-Dae – CIO tại bộ phận chứng khoán của Macquarie Investment Management Korea, nhận định rằng xã hội là một yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán nhiều hơn kinh tế. Ông cho rằng, lãi suất thấp khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, khiến các khoản tiết kiệm bị giảm giá trị mỗi ngày.

Lee Han Koo – giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Suwon, cho biết thế hệ Y Hàn Quốc đang cảm thấy tuyệt vọng, họ đối mặt với một thị trường việc làm quá ảm đạm. Hơn nữa, giá bất động sản tăng cao cũng khiến họ trở nên bất lực hơn. Ông nói: "Trong môi trường này, đầu tư chứng khoán là cơ hội có 1 lần trong đời để họ làm giàu."

Lo ngại về bong bóng bất động sản, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nỗ lực để kiềm chế tình trạng đầu cơ, ví dụ, giới hạn tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) nhà dưới 900 triệu won ở mức 40%. Kể từ năm 2014, giá nhà ở tại Hàn Quốc đã tăng không ngừng và những căn nhà luôn ở tình trạng "không thể mua". Giá trung bình của một căn hộ ở Seoul là 918,1 triệu won (792.900 USD), trong khi tổng thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 32.047 USD. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập sau thuế tại nước này hiện là 180, mức cao nhất trong các nước OECD.

Park Sung-woo – một nhân viên 28 tuổi tại cơ sở tái chế, chia sẻ: "Tôi gần như không thể mua một ngôi nhà nếu không có bố mẹ hỗ trợ. Do đó, tôi hy vọng rằng đầu tư cổ phiếu sẽ mang lại lợi nhuận để có thể mua được nhà."

Giá nhà ở tại Seoul tăng gần gấp đôi trong 3 năm qua (đơn vị: triệu USD).

"Bạn bè tôi có những người đã đổ tiền vào cổ phiếu ngành công nghệ sinh học, bởi họ thích tên của công ty", Jang Ho-yoon (27 tuổi) – sinh viên kỹ thuật máy tính, chia sẻ. Ho-yoon cho biết rằng cả 5 thành viên trong gia đình anh đều đầu tư chứng khoán.

Nếu lịch sử lặp lại, các cơ quan quản lý Hàn Quốc sẽ phải can thiệp để "giảm nhiệt" tình trạng đầu cơ. Trong năm nay, chỉ số Kospi đã tăng gần 8%, trong khi chỉ số công nghệ Kosdaq tăng khoảng 28%. Theo đó, đây là 2 trong số những chỉ số có diễn biến thăng hoa nhất thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện tại, người Hàn Quốc cho rằng đầu tư chứng khoán là cách nhanh nhất để có thể mua nhà.

Dong-Hyun Ahn – giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định: "Từng có những bậc thang để người Hàn Quốc bước lên và nâng cao địa vị xã hội của họ, đó là chăm chỉ học, tốt nghiệp một trường đại học danh giá, kiếm một công việc tốt ở tập đoàn chaebol sau đó mua 1 căn hộ ở Seoul. Nhưng bây giờ, ngay cả khi có bằng loại giỏi và công việc tốt, bạn cũng không thể mua được nhà."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/su-tuyet-vong-cua-gioi-tre-han-quoc-co-bang-dai-hoc-danh-gia-cong-viec-tot-nhung-khong-the-mua-nha-dau-co-chung-khoan-la-cach-duy-nhat-thoat-ngheo-4202022916311679.htm