Sửa cầu Thăng Long: Không bền 10 năm thì mắc cỡ!

Việc sửa mặt cầu Thăng Long lần này phải bền vững ít nhất 10 năm trở lên, nếu không cả ngành giao thông mắc cỡ với dân.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra trong cuộc họp về phương án sữa chữa cầu Thăng Long (TP. Hà Nội) vào sáng ngày 6/9. Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, ông Thể chỉ đạo, việc sửa chữa lần này phải bền vững ít nhất 10 năm trở lên.

"Cầu Thăng Long không sửa được thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong", ông Thể nói.

Phương án ưu tiên là sẽ mời chuyên gia Nga đã từng tham gia xây dựng cầu Thăng Long 30 năm về trước đến nghiên cứu và đưa ra phương hướng xử lý.

Mặt cầu Thăng Long đã bị hư hỏng nhiều năm nay.

Trước đó, vào tháng 8/2018, mặt cầu Thăng Long bị rạn nứt khoảng 8.700 m2, diện tích hằn lún dưới 2,5cm là 1.300 m2; lún từ 2,5 - 7cm là 570 m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng, đang được che tạm bằng tấm thép.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đợt sửa chữa vào năm 2009 đơn vị thi công đã bóc lớp tạo nhám, làm lại lớp chống thấm mặt cầu. Việc thi công này không đạt yêu cầu. Sau thời gian xe chạy gây ngấm nước, phá hoại bê tông nhựa.

Được biết, đơn vị quản lý, duy tu, bảo trì toàn bộ kết cấu cầu Thăng Long được cấp 20 tỷ để thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, năm 2013 và 2014 cơ quan chức năng cấp hơn 24,7 tỷ đồng, năm 2015 cấp 20,8 tỷ đồng để bảo trì cầu Thăng Long.

Trong khi trước đó, năm 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã “xin” thêm 313 tỷ đồng để vá, tân trang mặt cầu Thăng Long. Số tiền này được dùng để bóc bỏ toàn bộ phần bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ, thay thế bằng lớp vật liệu mới theo tiêu chuẩn Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản có chiều dày tương đương và đảm bảo yêu cầu chịu tác dụng của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên.

Việc xin 313 tỷ đồng sửa mặt cầu Thăng Long sau đúng 2 năm bề mặt cây cầu này được làm lại bằng công nghệ và vật liệu Nhật Bản với kinh phí vào khoảng 10 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, mặt cầu Thăng Long đã phải sửa đi sửa lại gần 10 lần. Tuy nhiên, các vết nứt vẫn thường xuyên xảy ra trên bề mặt cầu gây mất an toàn giao thông, cẩn trở lưu thông tuyến huyết mạch Hà Nội đi sân bay Nội Bài và tuyến QL2.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-cau-thang-long-khong-ben-10-nam-thi-mac-co-3365000/