Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính

Một nội dung quan trọng tại Nghị quyết chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2019 vừa được Chính phủ ban hành là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính.

Tại cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2019 của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - phản ánh: Pháp luât về đầu tư, kinh doanh hiện đang có tới 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn. Ví dụ, xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai… Điều này khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, gặp vướng mắc, khó khăn, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hình minh họa

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đánh giá, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chưa giải quyết được những tồn tại trong đời sống quản trị doanh nghiệp, chưa thúc đẩy được nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ; chưa thu hút được nhiều vốn và công nghệ từ nước ngoài, kích thích thị trường chứng khoán phát triển, kích thích dòng vốn đầu tư trong nước đầu tư vào thị trường chứng khoán và đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết. Thủ tục thành lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn khó khăn nên chưa kích thích mạnh được sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, vẫn chưa xóa bỏ được tận gốc tình trạng quản lý yếu kém, tham nhũng trong khối doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cần giải quyết những vấn đề vừa nêu.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Do nội dung sửa đổi bổ sung nhiều, quy mô sửa đổi bổ sung lớn, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi và thuận lợi trong áp dụng pháp luật, Chính phủ đã thống nhất tách dự án Luật này thành 2 dự án riêng: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đối với Luật Đầu tư, Chính phủ thống nhất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài (nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước); chủ động quản lý nguồn lực đầu tư trong nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; cắt giảm thực chất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...

Đối với Luật Doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất một số nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh; cơ chế tài chính, kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh; giao Chính phủ quy định về quyền và nghĩa vụ, chính sách phát triển hộ kinh doanh..

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội.

Lan Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-bo-sung-luat-dau-tu-luat-doanh-nghiep-tiep-tuc-cat-giam-thu-tuc-hanh-chinh-124031.html