Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về trị giá hải quan

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 60/2019/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC đã ban hành từ năm 2015 quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK). Theo đó, từ ngày 15/10/2019 nhiều quy định về trị giá hải quan sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Người khai tự xác định trị giá hải quan theo quy định của pháp luật

Theo đó, Thông tư 60/2019/TT-BTC đã bổ sung quy định người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan theo các quy định của pháp luật về hải quan; nộp, xuất trình chứng từ, theo yêu cầu của cơ quan Hải quan và theo quy định tại Thông tư quy định về thủ tục hải quan; Tham vấn để trao đổi, làm rõ nghi vấn của cơ quan Hải quan liên quan đến trị giá hải quan do người khai hải quan tự xác định.

Đồng thời, người khai hải quan được quyền yêu cầu cơ quan Hải quan thông báo bằng văn bản về trị giá hải quan, cơ sở, phương pháp được sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan xác định lại trị giá hải quan.

Với cơ quan Hải quan, Thông tư 60 cũng quy định: Khi kiểm tra việc khai báo trị giá hải quan, cơ quan Hải quan có quyền yêu cầu người khai nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu có liên quan. Đồng thời quy định rõ các trường hợp cơ quan Hải quan xác định trị giá hải quan, nguyên tắc, trình tự các phương pháp trong trường hợp cơ quan Hải quan được xác định trị giá. Đặc biệt, yêu cầu cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, xử lý khoản giảm giá trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của DN.

Quy định chi tiết nguyên tắc xác định trị giá hải quan

Thông tư 60/2019/TT-BTC cũng quy định chi tiết 3 nguyên tắc và 6 phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XK.

Cụ thể, Thông tư 60 đã quy định chi tiết phương pháp xác định trị giá theo giá bán hàng hóa đến cửa khẩu xuất theo từng điều kiện giao hàng XK khác nhau gồm giao hàng tại cửa khẩu xuất, giao hàng trong nội địa Việt Nam và giao hàng tại địa điểm giao hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung nội dung mở rộng khái niệm hàng hóa giống hệt, tương tự tại phương pháp giá bán của hàng hóa XK do cơ quan Hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại như quy định đối với hàng NK để đảm bảo tính thống nhất.

Với phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa NK theo phương pháp trị giá giao dịch, Thông tư 60/2019/TT-BTC bổ sung trị giá hải quan theo trị giá giao dịch đã bổ sung vào trước khoản 1 hiện hành; bổ sung hướng dẫn về điều kiện áp dụng phương pháp 1, trong đó nêu rõ chỉ được bác bỏ phương pháp nếu không đáp ứng ít nhất 1 trong 4 điều kiện.

Bên cạnh đó, Thông tư 60/2019/TT-BTC cũng quy định rõ hàng hóa là máy móc, thiết bị có chứa phần mềm trường hợp nào cộng, trường hợp nào không cộng.

Về mối quan hệ đặc biệt trong cách tính trị giá hải quan, Thông tư 60/2019/TT-BTC đã quy định rõ thông tin liên quan là thông tin nào, cơ sở để chấp nhận hoặc không chấp nhận giải trình của DN để đảm bảo việc đưa ra kết luận mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến trị giá hải quan.

Quy định về các khoản điều chỉnh cộng và tiền bản quyền, chi phí giấy phép, Thông tư 60/2019/TT-BTC cũng quy định rõ khái niệm về các khoản điều chỉnh cộng và sửa đổi, bổ sung Điều 14 Thông tư 39 theo hướng lược bớt những nội dung không cần thiết, chi tiết hóa phần hướng dẫn cách thức xác định trị giá của khoản điều chỉnh trong từng trường hợp cụ thể.

Với các khoản điều chỉnh trừ, Thông tư 60/2019/TT-BTC bổ sung theo hướng quy định rõ khái niệm về các khoản điều chỉnh trừ, sửa đổi quy định về khoản giảm giá, chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại, chi phí về dịch vụ mở Thư tín dụng, phí dịch vụ chuyển tiền.

Với phương pháp xác định trị giá hải quan đối với phương pháp xác định trị giá giao dịch của hàng hóa NK, Thông tư 60/2019/TT-BTC bổ sung hướng dẫn chi tiết cách hiểu và quy đổi trị giá giao dịch theo cấp độ thương mại và số lượng, quãng đường và phương thức vận tải, bảo hiểm.

Về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa NK theo phương pháp suy luận, Thông tư 60/2019/TT-BTC quy định chi tiết trường hợp không được sử dụng để xác định trị giá hải quan, trong đó nhấn mạnh việc không được sử dụng tài liệu, mức giá không có thật, chưa từng xảy ra giao dịch thật để làm cơ sở xác định trị giá hải quan.

Thu Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/sua-doi-bo-sung-nhieu-quy-dinh-ve-tri-gia-hai-quan-472340.html