SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ: CẦN LÀM RÕ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

Bàn về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) chuẩn bị được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, rà soát các quan hệ đặc thù trong hoạt động lưu trữ để có được cơ chế pháp lý riêng, phù hợp trong Luật Lưu trữ, nhất là những giới hạn thực hiện quyền dân sự cần phải có trong hoạt động lưu trữ

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật Lưu trữ (sửa đổi). Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này. Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn phục vụ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 30 (tháng 02/2024) và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương, 65 điều , về cơ bản đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.

Các đại biểu tại Hội nghị

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, dự thảo luật quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật).

Về việc lưu trữ tài liệu của các hội quần chúng đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ, biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, Theo Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư thì hiện nay có 30 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, trong đó có những hội đang được điều chỉnh bởi quy định của luật như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các tổ chức này có vai trò quan trọng trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử và phục vụ quản lý nhà nước, cần được nộp vào lưu trữ lịch sử để lưu giữ, bảo đảm an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam như thể hiện tại điểm d khoản 3, khoản 4 Điều 9 và một số điều có liên quan của dự thảo Luật.

Quan tâm đến nội dung về lưu trữ tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, ThS.Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Lưu trữ cần bổ sung nguyên tắc về áp dụng pháp luật trong hoạt động lưu trữ. Trong đó, nhà làm luật cần rà soát các quan hệ đặc thù trong hoạt động lưu trữ để có được cơ chế pháp lý riêng, phù hợp trong Luật Lưu trữ, nhất là những giới hạn thực hiện quyền dân sự cần phải có trong hoạt động lưu trữ và cần ghi nhận nguyên tắc, trường hợp có nhiều văn bản quy pháp luật cùng điều chỉnh tài liệu của cá nhân, quyền, nghĩa vụ đối với tài liệu của cá nhân thì ưu tiên áp dụng quy định của Luật Lưu trữ, trường hợp Luật Lưu trữ không có quy định thì áp dụng quy định của BLDS, của luật khác có liên quan.

ThS.Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

ThS.Nguyễn Hồng Hải nêu rõ, để bao quát được đúng, đủ về giá trị sử dụng của tài liệu lưu trữ, Luật Lưu trữ cần được tiếp cận theo hướng: Tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, lịch sử hoặc phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác theo yêu cầu được lựa chọn để lưu trữ. Tài liệu lưu trữ bao gồm bản gốc, bản chính; trong trường hợp không còn bản gốc, bản chính thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp. Đồng thời, đối với tài liệu của cá nhân cần được nghiên cứu, tiếp cận theo hướng: Những tài liệu sau đây của cá nhân, gia đình, dòng họ có giá trị phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, lịch sử đối với quốc gia, xã hội hoặc phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác theo yêu cầu được đăng ký thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam…

Cùng quan điểm, ThS.Lã Thị Duyên, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng, Luật Lưu trữ cần tiếp cận tài liệu của cá nhân trên cả hai phương diện: quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ và là đối tượng quan hệ pháp luật dân sự; quy định các nguyên tắc pháp lý phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa chuẩn mực trong QLNN về hoạt động lưu trữ với chuẩn mực pháp lý về quyền nhân thân, quyền tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự, chẳng hạn, cần bổ sung các hành vi bị cấm bao gồm các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và chế độ sử dụng thông tin cá nhân… hoặc bổ sung quy định về những tài liệu của cá nhân có thể là đối tượng của giao dịch, dịch vụ trong hoạt động lưu trữ.

Theo ThS.Lã Thị Duyên, Luật Lưu trữ cần điều chỉnh tài liệu của cá nhân trong trạng thái động, vừa là một tài sản trong giao dịch vừa đồng thời là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, cần quy định cụ thể cơ chế pháp lý để cơ quan lưu trữ được xác lập quyền đầy đủ hoặc xác lập có giới hạn đối với tài liệu của cá nhân trong hoạt động lưu trữ như các nội dung về sở hữu, thừa kế, giao dịch đã phân tích ở trên.

Ngoài ra, để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát huy giá trị gia tăng của tài liệu lưu trữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hoặc phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của mình thì Luật Lưu trữ cần có cơ chế pháp lý để xã hội hóa hoặc cung cấp dịch vụ đối với một số hoạt động lưu trữ liên quan đến vấn đề này./.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85749