Sửa đổi Thông tư 16: Tác động đến mức nào?

Nhiều đánh giá cho rằng dự thảo sửa đổi Thông tư 16 về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp mang tính quản lý chặt chẽ và làm rõ các điều khoản hơn là 'tháo bỏ' các điều kiện chặt chẽ...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Một số điểm đáng lưu ý trong Dự thảo gồm: Thứ nhất, dự thảo này tập trung vào việc làm rõ, chi tiết và hoàn thiện nhiều nội dung của Thông tư 16 nhằm tránh những "lỗ hổng" và những điều khoản chưa rõ ràng. Điều này rõ nhất khi dự thảo nêu cụ thể hơn về quy định nội bộ của ngân hàng trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, xác định phương án khả thi, nêu rõ việc kiểm tra, giám sát tiền thu từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp là quyền và nghĩa vụ của ngân hàng.

Thứ 2, bổ sung thêm các quy định như quản lý đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có mục đích bổ sung vốn lưu động, quản lý chặt dòng tiền liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, quy định hệ số nợ của doanh nghiệp phát hành, không cho đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích hợp tác đầu tư.

Thứ 3, điểm mở của Dự thảo là ở chỗ mua lại trái phiếu đã bán.

Đánh giá dự thảo sửa đổi thông tư 16, theo Chứng khoán BSC, dự thảo sửa đổi thông tư 16 có tính phối hợp với tinh thần của Nghị định 08, theo đó cho phép tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra tổ chức tín dụng cũng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà trước đó đã bán ra đến trước 31/12/2023 nhằm gỡ áp lực do đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi tổ chức phát hành không có khả năng mua lại. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nướccũng xây dựng các tiêu chí chặt chẽ hơn về tỷ lệ Nợ/vốn chủ sở hữu, tỷ NPL, kiểm soát mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp không có nợ xấu... nhằm kiểm soát an toàn đối với hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.

"Việc Ngân hàng Nhà nước mở đường cho tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực đáo hạn trong năm 2023 tuy nhiên mức độ tác động đến thị trường này còn nhiều giới hạn và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ ban ngành trong thời gian tới", BSC khuyến nghị.

Ở một góc nhìn thận trọng hơn, theo đánh giá của FIDT, Dự thảo sửa đổi cho phéptừ nay đến hết 31/12/2023 các ngân hàng được mua lại trái phiếu đã bán (không cần đợi 12 tháng) nhưng vẫn phải tuân thủ các điều khoản chặt chẽ về điều kiện.

Sửa đổi này theo FIDT là sẽ khó có tác động đủ lớn. Theo đó, FIDT cho rằng dự thảo này mang tính quản lý chặt chẽ và làm rõ các điều khoản hơn là "tháo bỏ" các điều kiện chặt chẽ.

"Các diễn biến gần đây cũng cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có các bước phục hồi và rủi ro về các vụ "vỡ nợ" trái phiếu đã phản ánh nhiều vào thị trường nên cơ hội phục hồi sắp tới đối với các ngành như "Bất động sản" là có và nó đến từ các diễn biến thực tế hơn là sự kỳ vọng lớn vào sửa đổi Thông tư 16", FIDT nhấn mạnh.

Trước đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cũng cho rằng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 có một số quy định khác có xu hướng chặt chẽ hơn về điều kiện mua trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Dự thảo bổ sung quy định tổ chức tín dụng chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp khi hệ số Nợ/ Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán (bổ sung điểm e, khoản 6, Điều 4) .

Tức là các doanh nghiệp có mức đòn bảy cao hơn mức 5x này sẽ không thuộc đối tượng được tổ chức tín dụng mua trái phiếu nữa. Điều này nhằm tránh việc nhiều doanh nghiệp là công ty dự án có đòn bảy rất cao, lên đến chục và vài chục lần mặc dù đáp ứng các tiêu chí phát hành trái phiếu của Nghị định 153 hoặc sửa đổi với Nghị định 65 sẽ không được tổ chức tín dụng mua nữa.

Các quy định khác vẫn được giữ theo quy định hiện hành đối với từng tổ chức tín dụng theo nguyên tắc: phải có tỷ lệ nợ xấu (NPL) < 3%, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn và không có nợ xấu (từ Nhóm 3 – Dưới chuẩn) trong vòng 12 tháng gần nhất trên CIC.

Kiều Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sua-doi-thong-tu-16-tac-dong-den-muc-nao.htm