Sữa học đường: Nếu bổ sung thêm vi chất thì không còn là sữa tươi

Thời gian gần đây, khi các trường học ở Hà Nội triển khai chương trình sữa học đường đã gặp phải nhiều ý kiến của phụ huynh băn khoăn về chất lượng. Lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, sữa học đường của Hà Nội sẽ khác biệt với sữa khác ở trên thị trường bằng cách bổ sung 4 loại vi chất cần thiết cho trẻ. Theo các chuyên gia về sữa, bản thân sữa tươi đã có đầy đủ vi chất cần thiết như: Sắt, Protein, canxi… không cần phải bổ sung thêm.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam về vấn đề này.

- Thưa ông, trong khi các Cty sữa đang đấu thầu để triển khai chương trình sữa học đường thì Hiệp hội Sữa Việt Nam đã đề xuất với Bộ Y tế và Bộ Y tế có văn bản đề nghị Chính phủ sử dụng các loại sữa dạng lỏng khác để thay thế sữa tươi. Tại sao Hiệp Hội đề xuất sữa lỏng, sữa bột pha lại thay cho sữa tươi trong quyết định của Chính phủ ban đầu?

- Chương trình sữa học đường được Chính phủ phê duyệt năm 2016 với mục tiêu là phòng chống suy dinh dưỡng, nâng cao thể lực của trẻ em Việt Nam. Với mục tiêu như vậy thì làm sao để đưa ra giải để 100% trẻ em vùng sâu vùng xa, 70% trẻ ở thành thị, nông thôn được uống sữa trong chương trình sữa học đường. Vậy chúng ta sử dụng loại sữa gì vì chúng ta xã hội hóa?

Nguồn sữa nguyên liệu trong nước rất đảm bảo, các doanh nghiệp của chúng ta dây truyền sản xuất rất đảm bảo. Vấn đề chúng ta sử dụng sữa tươi hay sữa khác? Sữa tươi có tiêu chuẩn rồi, các loại sữa khác như sữa hoàn nguyên hay sữa tiệt trùng khác thì cũng có tiêu chuẩn đảm bảo. Vấn đề các nhà hoạch định phải xác định được là chúng ta cần gì? Canxi, Protein hay sắt…? Thì các loại sữa, dù chế biến ở dạng gì thì nó vẫn phải đáp ứng được hàm lượng đó. Do vậy tôi cho rằng làm sao để chương trình phát triển bền vững mà cả tương lai của con em chúng ta bền vững. Trong khi nhiều tỉnh ngân sách còn khó khăn, đời sống người dân còn nghèo thì chúng ta phải xã hội hóa, đa dạng hóa đầu vào có thể đáp ứng được rộng khắp và lâu dài.

- Hiện nay doanh nghiệp trong nước sản xuất đủ cho chương trình sữa học đường, vậy tại sao chúng ta phải dùng sữa khác để thay thế sữa tươi?

-Thực ra hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước phát triển khá tốt nhưng không phải doanh nghiệp nào họ cũng sử dụng cái đó cho chương trình sữa học đường, họ còn sản xuất ra sản phẩm cho nhóm đối tượng khác. Tôi cho rằng, vì chúng ta cần phải xã hội hóa nên cần phải đa dạng các sản phẩm sữa để phục vụ cho chương trình này.

- Thưa ông, sữa bột hay còn còn là sữa gầy dùng để pha lại trên thế giới chỉ có giá là 1.700 đô la/1 tấn, khi pha một hộp sữa thì giá nguyên liệu chỉ khoảng 1.000 đồng, thêm các hương liệu khác cộng lại cũng chưa đến 2.000 đồng, như vậy nếu đưa vào chương trình sữa học đường mà được bán như sữa tươi thì đây có phải là sản phẩm siêu lợi nhuận không?

-Thực ra nếu các doanh nghiệp nhập về, pha rồi rồi bán thì như thế là siêu lợi nhuận. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập sữa về không phải chỉ làm mỗi việc đó và quy trình chế biến không phải là như vậy mà có nhiều vấn đề khác. Tôi không tính toán được chính xác về số lượng, chi phí mà chi ra để tính giá thành nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp còn nhiều chi phí khác để tính giá thành.

-Trong Hội nghị này có đề xuất bổ sung sữa đậu nành vào chương trình sữa học đường, theo ông sản phẩm sữa đậu nành với sữa bò tươi nó có sự tương đồng như thế nào, khác biệt như thế nào? Liệu chúng ta có thể thay thế các sản phẩm đậu nành khác thay thế vào chương trình này không?

-Chương trình sữa học đường hiện nay chúng ta quy định là sữa động vật. Chúng ta có sữa đậu nành, loại này có hàm lượng canxi và protein rất đảm bảo mà tôi cho rằng có một số doanh nghiệp như Vinasoy chẳng hạn, hiện nay họ tham gia vào chương trình sữa học đường, hàng năm họ đóng góp gần 20 tỉ đồng thông qua sản phẩm của họ. Mục tiêu chúng ta đề ra là tăng protein và hàm lượng canxi giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, nâng cao thể lực, tầm vóc của trẻ. Trong một nhóm thì có người sẽ bị dị ứng với sữa bò thì người ta chuyển sang dùng sữa thực vật như sữa đậu nành hoặc dòng sữa hạt khác, miễn sao sản phẩm đó hàm lượng Protein, canxi phải đảm bảo.

- Hiện nay đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội nói rằng, Hà Nội sẽ bổ sung một số vi chất để sữa học đường khác với loại sữa khác, theo ông có hợp lý không?

- Vấn đề ở đây sữa bò tươi có bổ sung vi chất gì nữa không? Tôi cho rằng, bản thân sữa tươi đã chứa hàm lượng vi chất rất cao như: Protein, sắt, canxi… không cần phải bổ sung thêm nữa. Nếu chúng ta bổ sung vi chất vào thì không còn gọi là sữa tươi nữa, bởi khi bổ sung vi chất thì phải chế biến lại và lúc đó phải đặt một tên khác. Theo tôi chúng ta chỉ cần dùng sản phẩm sữa bò nguyên chất đã được tiệt trùng với bao gói an toàn thì đó là sự lựa chọn tốt nhất.

Mai Khôi (Ghi)

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/sua-hoc-duong-neu-bo-sung-them-vi-chat-thi-khong-con-la-sua-tuoi-d2057602.html