Sửa Luật Chứng khoán: Tạo môi trường pháp lý ổn định, đồng bộ

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới được Bộ Tài chính công bố rộng rãi để lấy ý kiến. Bà Vũ Thị Chân Phương (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thành viên Ban soạn thảo cho rằng, việc sửa Luật sẽ góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động một cách công bằng, minh bạch và tiếp tục trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả.

Sau một thời gian chuẩn bị kĩ lưỡng, hiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được công bố lấy ý kiến rộng rãi. Xin bà cho biết các căn cứ để UBCKNN soạn thảo, xây dựng nên dự thảo Luật?

Căn cứ vào 8 nhóm chính sách trong Hồ sơ xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Chính phủ thông qua, cơ quan chủ trì đã soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi. Dự án này đã được họp lấy ý kiến trong ban soạn thảo, ban biên tập cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề nội bộ, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài. Đến nay, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã được đăng tải lấy ý rộng rãi của nhân dân cũng như các đối tượng chịu sự tác động của chứng khoán.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản, thời hạn lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử ít nhất là 60 ngày. Trong thời gian này, UBCKNN và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các thành viên thị trường để hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi.

Cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét lấy ý kiến để trình Quốc hội vào tháng 2/2019 và dự án Luật này dự kiến Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ nhất của năm 2019 và trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 2 của năm 2019.

Mục tiêu sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý ổn định, đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động một cách công bằng, công khai và tiếp tục là một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau hơn 10 năm thực thi Luật Chứng khoán hiện hành, không thể phủ nhận vai trò của Luật này đối với việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy, tại sao ban soạn thảo lại chọn thời điểm này để sửa đổi Luật, thưa bà?

Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi một số điều Luật Chứng khoán năm 2010 cũng như một số văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý cao nhất, tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, công bằng hiệu quả trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi, Luật hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đã được sửa đổi. Do đó cần phải sửa đổi Luật Chứng khoán.

Việc sửa đổi này, thứ nhất là để khắc phục hạn chế thiếu sót của Luật hiện hành. Thứ hai là để đảm bảo đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thứ ba là thể chế hóa chủ trương đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước về sự phát triển, thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong đó có sự phát triển của thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Thứ tư là đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, trong đó cải cách về thể chế là một mục tiêu quan trọng. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật sẽ đáp ứng sự phát triển của thị trường chứng khoán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sao cho phù hợp với chuẩn mực cũng như thông lệ quốc tế.

Xin bà cho biết những thay đổi nổi bật tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được công bố lần này?

Căn cứ vào 8 chính sách trong Hồ sơ xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, lần này dự thảo Luật đã sửa đổi những điểm căn bản lớn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán. Cơ quan soạn thảo đã sửa đổi những quy định liên quan đến chính sách về hàng hóa như: sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao quy mô vốn, chất lượng công ty đại chúng trong đó quy định chặt chẽ liên quan đến quản trị doanh nghiệp; công bố thông tin minh bạch trên thị trường chứng khoán; quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài; quy định liên quan đến việc tổ chức thị trường giao dịch; các quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản ký quỹ. Đặc biệt, lần này chúng tôi dự kiến đưa vào dự thảo luật quy định về thẩm quyền của UBCKNN trong công tác thanh tra, xử phạt và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Việc thêm quyền hạn cho cơ quan quản lý trong luật là rất quan trọng. Xin bà có thể nói rõ hơn về thẩm quyền của UBCKNN trong công tác thanh tra, xử phạt và giải quyết khiếu nại tố cáo được quy định tại dự thảo Luật?

Thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, UBCKNN chưa có thẩm quyền trong việc xác minh tài khoản, dòng tiền, yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra... Vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với hành vi thao túng, nội gián còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thông lệ quốc tế, khi tiến hành thanh tra giám sát với những hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán như hành vi nội gián thì cơ quan quản lý có thẩm quyền tiếp cận dòng tiền các nhà đầu tư, triệu tập các nhà đầu tư đến làm việc. Khi có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến các giao dịch đáng ngờ thì có thẩm quyền lấy sao kê các cuộc điện thoại tại các cuộc giao dịch bất thường...

Từ kinh nghiệm, thông lệ quốc tế, khu vực, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thao túng, nội gián như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm giải trình, đối chất...

Việc bổ sung thẩm quyền này không chỉ giúp thị trường chứng khoán tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, giúp cơ quan quản lý tăng cường năng lực phát hiện xử lý vi phạm thao túng, nội gián, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, mà còn tăng cường năng lực phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường.

Xin cảm ơn bà!

Thùy Linh (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-chung-khoan-tao-moi-truong-phap-ly-on-dinh-dong-bo.aspx