Sửa luật có ngăn chặn được Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ không?

Đó là băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp sáng 13.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Q.H)

Theo báo cáo của Chính phủ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ mới chỉ sửa đổi, bổ sung liên quan đến 16 điều trên tổng số 61 điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 (trong đó chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của điều).

Nhấn mạnh việc cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đất nước đang đứng trước thách thức công nghệ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Từ vụ việc sự cố xả thải của Fomosa (Hà Tĩnh), Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao nước ta đứng trước tình trạng này, liệu có phải do các quy định của luật hay do quản lý của Nhà nước chưa tốt?.

Cho ý kiến tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cần bao quát, toàn diện hơn, kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật hiện hành đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và phải phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước.

Nhấn mạnh Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ngày 31/10/2012 đã nêu: “Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước... Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc Ban soạn thảo sửa đổi luật này đã đưa ra những quy định về vai trò quản lý nhà nước , kiểm soát công nghệ.

Dẫn chứng những vụ việc cụ thể mà gần đây nhất là sự cố xả thải của Formosa (Hà Tĩnh), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới vai trò của công nghệ và đề nghị dự thảo Luật cần tập trung làm rõ một số nội dung như việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất; cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết 20 đã nêu, qua đó trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội nêu là Luật sửa đổi có "khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ, có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hay không.".

Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng có quan điểm cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 một cách toàn diện và sâu sắc nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, quy định về chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc thù hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế như: nông nghiệp, y tế, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, đặc biệt là không để tái diễn tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu vào nước ta.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, nếu chỉ sửa đổi bổ sung 16 điều thì không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng không nhất thiết chỉ dừng lại ở 16 điều. Nếu kiểm soát công nghệ thì phải liên quan đến nhiều luật. Ví dụ như vụ Formosa nhiều người hỏi tại sao lại để công nghệ như thế nhưng phải xem xét từ nhiều luật như phải xem xét từ Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường trong đó có báo cáo đánh giá tác động ĐTM. Do vậy muốn kiểm soát được công nghệ đòi hỏi rà soát kỹ nhiều luật liên quan.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006 theo quy trình tại 2 kỳ họp. Phó Chủ tịch Quốc hội giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai và thông qua tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khóa XIV.

Clip Phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/sua-luat-co-ngan-chan-duoc-viet-nam-tro-thanh-bai-rac-cong-nghe-khong-592001.bld