Sửa luật để triệt nạn đua xe trái phép

GS-TS Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng để trấn áp nạn đua xe trái phép cần sửa luật liên quan đến tịch thu phương tiện và xử lý cả phụ huynh có con vi phạm

Phóng viên: Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập đua xe trái phép diễn ra lâu nay ở nhiều nơi gây bức xúc xã hội. Gần đây là 2 vụ "quái xế" ngang nhiên chặn xe, chiếm đường để tổ chức đua xe ở Tiền Giang và Đồng Nai. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- GS-TS Thiếu tướng NGUYỄN MINH ĐỨC: Tình trạng đua xe trái phép chủ yếu xảy ra ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, thời gian qua có vụ việc tổ chức đua xe lên đến cả trăm người với quy mô, mức độ phức tạp đã phản ánh một hiện tượng tiêu cực rất nghiêm trọng, cần làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh để từ đó xử lý nghiêm, triệt để nguyên nhân, điều kiện đó.

GS-TS Thiếu tướng NGUYỄN MINH ĐỨC

GS-TS Thiếu tướng NGUYỄN MINH ĐỨC

Theo ông, hệ lụy của tình trạng đua xe và tổ chức đua xe trái phép là gì?

- Hành vi đua xe trái phép chủ yếu trên đường bộ, nhiều người qua lại, nên hệ lụy gây ra rất lớn. Thứ nhất, hình ảnh về một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam xấu xí, rồi hình ảnh về trật tự pháp luật nói chung và trật tự an toàn giao thông đường bộ nói riêng của Việt Nam đang bị coi thường. Cụ thể, vấn đề kỷ cương phép nước sẽ được đặt ra tại những địa bàn để xảy ra tình trạng đua xe trái phép.

Bên cạnh đó, việc đua xe trái phép có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho gia đình, cho xã hội mà trước mắt là tai nạn giao thông thảm khốc.

Việc các nhóm thanh, thiếu niên manh động chặn cả quốc lộ để đua xe cho thấy sự coi thường pháp luật. Phải chăng các quy định chế tài hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

- Tôi cho rằng các quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ và nghiêm khắc. Trong điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định rất chi tiết các hành vi bị cấm, trong đó cấm đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng. Chúng ta cũng có các nghị định để triển khai, thực thi quy định này.

Cùng với đó, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có những quy định rất chi tiết. Đặc biệt là điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép với các chế tài rất nghiêm khắc.

Trong Bộ Luật Hình sự có 2 điều là 265, 266 quy định xử lý tội tổ chức đua xe trái phép và đua xe trái phép với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù, tù chung thân. Rõ ràng các chế tài pháp luật có đầy đủ, rất sát với thực tiễn. Tuy nhiên, vì sao vẫn có tình trạng đua xe, tổ chức đua xe trái phép manh động như trên thì chúng ta phải tìm rõ nguyên nhân.

Vậy theo ông, nguyên nhân là gì?

- Nguyên nhân thứ nhất: trong số những người tổ chức đua xe trái phép và đua xe trái phép chắc chắn có nhiều người chưa hiểu rõ hết các chế tài nghiêm khắc đã có nên họ có thể nghĩ một cách đơn giản đây chỉ là hành vi vi phạm pháp luật giao thông thông thường, cho nên mới có hành xử coi thường. Nếu họ biết hành vi vi phạm đó có thể bị phạt tù giam đến 20 năm hoặc chung thân, chắc chắn họ không dám.

Thứ hai, các đối tượng này có lẽ hầu hết không được giáo dục đầy đủ về mặt ý thức, văn hóa, chuẩn mực đạo đức. Có thể họ là những người sống ở môi trường gia đình thiếu quan tâm, thiếu sự nghiêm khắc nhất định của các bậc phụ huynh nên mới dẫn đến hành động đó.

Những đối tượng chặn xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang để tổ chức đua xe trái phép đêm 11-4. (Ảnh do Cục CSGT cung cấp)

Thứ ba, liên quan đến việc nhận thức pháp luật và thực thi pháp luật. Tại sao nhiều cuộc đua xe trái phép và tổ chức đua xe trái phép đã xảy ra nhưng phần lớn chỉ xử lý hành chính, chỉ có rất ít vụ bị xử lý hình sự. Chúng ta cần xem xét lại nhận thức pháp luật của một bộ phận các cơ quan chức năng và người thực thi pháp luật. Phải chăng họ nhận thức chưa đầy đủ hay do chưa có các văn bản hướng dẫn đúng để xử lý hành vi đua xe trái phép và tổ chức đua xe trái phép, đồng phạm tổ chức đua xe trái phép… nên khó xử lý hình sự. Ở đây, rõ ràng do nhận thức khác nhau nên có nơi xử lý hành chính, có nơi xử lý hình sự.

Tôi cho rằng nếu nhận thức pháp luật của cán bộ đầy đủ, cùng với hướng dẫn pháp luật chi tiết, thống nhất về xử lý hành chính, hình sự với tất cả hình thức đua xe, tổ chức đua xe trái phép (bao gồm cả các hành vi đồng phạm) và xử nghiêm một số vụ để làm gương, làm án lệ, thì chắc chắn sẽ giúp cho công tác tuyên truyền, cảnh tỉnh răn đe hiệu quả hơn.

Có ý kiến cho rằng để ngăn nạn đua xe trái phép bùng phát, phải xử lý mạnh để có tác dụng răn đe không chỉ cho người đua xe mà cần xử lý liên đới cả phụ huynh. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Ở nhiều nước trên thế giới, cha mẹ phải chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm pháp luật và trái đạo đức của con mình khi chúng chưa đến tuổi thành niên (dưới 18 tuổi). Vậy thì chúng ta cũng phải xem xét vấn đề này. Nếu con cái đua xe trái phép, bố mẹ là chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm. Nếu những đứa trẻ mượn xe ở bên ngoài thì ai cho mượn phương tiện phải chịu trách nhiệm liên đới là đồng phạm. Trường hợp nếu chủ phương tiện giao xe cho người khác mà biết người sử dụng xe để đua thì xử là đồng phạm hình sự về tội đua xe trái phép. Còn nếu bố mẹ là cán bộ, đảng viên, giữ chức vụ lãnh đạo, có con đua xe hay tổ chức đua xe trái phép thì cần xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí cách chức.

Thực tế cho thấy đa số vụ đua xe trái phép mà phương tiện các đối tượng sử dụng đứng tên người khác. Theo luật hiện hành, phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người đua xe trái phép. Chúng ta phải sửa quy định này theo hướng cứ đua xe trái phép là tịch thu phương tiện, không cần biết chủ phương tiện là ai.

Theo các chuyên gia, muốn triệt xóa nạn đua xe trái phép, gốc rễ phải là giáo dục?

- Đầu tiên, cùng với gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục thật đầy đủ để đánh vào lòng tự trọng của những đối tượng đua xe và tổ chức đua xe trái phép.

Cùng với đó, phải tuyên truyền, động viên để người dân sẵn sàng tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các đối tượng để các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để. Những người dân này cần phải được biểu dương, khen thưởng. Nếu có sức mạnh đoàn kết của quần chúng nhân dân, tôi tin chắc chắn sẽ ngăn chặn được tình trạng đua xe, tổ chức đua xe trái phép.

Cảnh sát hình sự hóa trang, mật phục...

Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT, Bộ Công an), những năm trước, nạn đua xe trái phép có nhưng rất ít. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, đi cùng với dịch Covid-19 bùng phát nạn đua xe cũng nở rộ. Nguyên nhân là do lực lượng CSGT tập trung, hỗ trợ phòng chống dịch, giãn cách xã hội, đường ít xe chạy, nhiều thanh niên lên mạng kêu gọi tụ tập đua xe, nẹt pô, lạng lách, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh miền Tây.

Về giải pháp phòng chống đua xe, đại diện Cục CSGT đã đề nghị cảnh sát cơ động, hình sự địa phương cần có biện pháp hóa trang, mật phục, phát hiện ngăn chặn các vụ đua xe khi mới manh nha. Đặc biệt, lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao cần theo dõi, nắm quy luật hoạt động các đối tượng trên mạng xã hội để ngăn chặn từ đầu. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị công an các tỉnh thành xem xét xử lý hình sự những đối tượng đua xe trái phép khi đủ điều kiện và lấy đó làm kinh nghiệm cho những vụ việc tương tự.

Từ ngày 15-9-2020 đến 14-3-2021, lực lượng CSGT 10 tỉnh khu vực ĐBSCL đã phát hiện, giải tán, xử lý 277 nhóm thanh thiếu niên tụ tập đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; xử phạt 1.048 đối tượng, tịch thu 25 phương tiện, tạm giữ 494 môtô, xe máy và đang củng cố hồ sơ khởi tố 2 vụ tổ chức đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng.

N.Hưởng

VĂN DUẨN thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/sua-luat-de-triet-nan-dua-xe-trai-phep-20210425212402038.htm