Sửa Luật Doanh nghiệp: Nâng quyền cổ đông nhỏ

Một trong những mục tiêu quan trọng khi sửa Luật Doanh nghiệp là nhằm thúc đẩy quản trị doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ.

Từ chuyện tranh cãi điều lệ công ty

Trong mùa đại hội cổ đông năm 2018, cổ đông nhỏ của một số công ty ngành nước đã phản ứng mạnh mẽ về việc sửa đổi điều lệ mà theo đó, các quy định về tỷ lệ ứng cử, đề cử trái với quy định pháp luật.

Ðơn cử như tại CTCP Cấp nước Nhơn Trạch, tháng 4/2018, Công ty tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông thông qua nhiều nội dung, trong đó có việc sửa đổi điều lệ. Theo đó, cổ đông, nhóm cổ đông giữ tỷ lệ tối thiểu 10% mới được thực hiện một số quyền như đề cử ứng viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát; kiểm tra danh sách cổ đông, kiểm tra sổ sách chứng từ...

Theo các cổ đông nhỏ, CTCP Cấp nước Nhơn Trạch có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có 245 cổ đông (tại thời điểm chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội); là công ty đại chúng đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM nên phải tuân thủ các quy định về quản trị công ty đại chúng tại Thông tư 95/2017/TT-BTC. Ðiều lệ mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 95 quy định tỷ lệ này là 5%.

Trong khi đó, phía Cấp nước Nhơn Trạch lại cho rằng Công ty tuân thủ theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp và Thông tư 95/2017/TT-BTC chỉ là để “áp dụng và tham khảo”, không có tính chất bắt buộc, Luật mới có hiệu lực cao nhất.

Ðược biết, Khoản 2, Ðiều 114, Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có các quyền: đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát, xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, báo cáo tài chính bán niên và hàng năm...

Cho đến nay, các cổ đông vẫn tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại lên các cơ quan quản lý nhằm buộc CTCP Cấp nước Nhơn Trạch phải thực hiện đúng các quy định về quản trị công ty đại chúng. Theo cổ đông, tỷ lệ đề cử này liên quan mật thiết tới quyền lợi cổ đông bởi việc tập hợp tỷ lệ 10% gần như là bất khả thi với các cổ đông nhỏ, nhất là trường hợp các công ty chuyển đổi từ quá trình cổ phần hóa, thường có tình trạng cổ phiếu cô đặc. Ðấy là chưa kể với các doanh nghiệp lớn như ngân hàng, các tập đoàn lớn..., việc tập hợp đủ tỷ lệ 1% đã rất khó khăn, chưa nói đến một tỷ lệ cao hơn.

Cần chỉnh sửa các điều kiện khởi kiện

Nhìn từ vụ việc nói trên, có thể thấy bên cạnh các tỷ lệ liên quan đến việc ra quyết định trong công ty cổ phần thì các tỷ lệ liên quan quyền cổ đông là trọng điểm nhà đầu tư quan tâm và thường phát sinh tranh chấp.

Ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người đang tham gia xây dựng các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp cho rằng, một trong những mục tiêu của việc sửa Luật Doanh nghiệp 2014 là nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông nhỏ, nhưng bên cạnh đó cũng cần cân nhắc, tính toán tỷ lệ nhằm cân đối lợi ích của nhà đầu tư nhỏ và sự hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Ðược biết, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Trong Dự thảo Luật, một điểm quan trọng được sửa đổi là bãi bỏ điều kiện sở hữu cổ phiếu trong 6 tháng. Ðây là một điểm nghẽn đã từng được phản ánh nhiều khi nhà đầu tư bỏ số vốn lớn, sở hữu tỷ lệ cổ phiếu đáng kể nhưng phải chờ sau 6 tháng mới có quyền đề cử người tham gia kiểm soát, điều hành doanh nghiệp.

Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho hay, từ thực tiễn tư vấn doanh nghiệp, 6 tháng là thời gian đủ dài để ban lãnh đạo hiện tại làm nhiều việc và rủi ro cho các cổ đông mới là rất lớn.

Tương tự, đối với điều kiện khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc, Dự thảo Luật cũng bãi bỏ quy định nắm giữ cổ phần 6 tháng, cổ đông chỉ cần sở hữu 1% cổ phần phổ thông là đủ quyền khởi kiện.

Tuy nhiên, quy định về tỷ lệ khởi kiện đề nghị hủy bỏ nghị quyết đại hội đồng cổ đông trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi vẫn được giữ nguyên là 10% như quy định hiện hành.

Trong trường hợp CTCP Cấp nước Nhơn Trạch nói trên, việc tập hợp đủ tỷ lệ 10% đối với cổ đông nhỏ là rất khó. Hay trường hợp sáp nhập của hai công ty trong ngành thiết bị y tế vào năm ngoái, cổ đông nhỏ cho rằng Ban lãnh đạo không tuân thủ các quy định pháp luật về công ty đại chúng, phương án sáp nhập không minh bạch, việc định giá không đúng quy định...

Cổ đông nhỏ chỉ tập hợp được 5%, 95% cổ phần còn lại là cán bộ công nhân viên và cổ đông lớn nắm giữ, do đó, việc khởi kiện đề nghị hủy bỏ nghị quyết đại hội đồng cổ đông không thể thực hiện.

Theo Luật sư Trương Thanh Ðức, Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên tỷ lệ 10% (trừ trường hợp Ðiều lệ công ty quy định tỷ lệ nhỏ hơn) là không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, nhất là các công ty đại chúng có quy mô lớn. Luật sư Ðức đề nghị giảm tỷ lệ này xuống còn 5%.

Có ý kiến lại cho rằng tỷ lệ 1% là phù hợp. Theo Luật sư Dương Thị Thu Thủy, về nguyên tắc, chúng ta phải tuân thủ pháp luật, nếu công ty vi phạm pháp luật thì bất cứ cổ đông nào cũng có thể khởi kiện nhằm đảm bảo các chủ thể phải thực hiện đúng luật. Tuy nhiên, cân nhắc quyền lợi cả hai phía là cổ đông và sự ổn định của công ty, Luật sư Thủy kiến nghị tỷ lệ 1%.

Hiện, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được lấy ý kiến cộng động doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước. Dự kiến, Dự thảo được đưa ra trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5 tới và được xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8.

Bùi Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/sua-luat-doanh-nghiep-nang-quyen-co-dong-nho-258115.html