Sửa Luật Quản lý thuế: Kịp thời bổ sung quy định về giao dịch liên kết

Chống chuyển giá luôn là một bài toán đầy thách thức đối với cơ quan quản lý nhằm chống thất thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Do vậy, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các nội dung liên quan đến vấn đề này đã được cơ quan soạn thảo xây dựng khá chặt chẽ, bài bản nhằm đảm bảo tính vững chắc của hệ thống pháp lý.

Ông Nguyễn Văn Toàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có một số nhận định xung quanh vấn đề này.

Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Trước những trình bày của Bộ Tài chính cũng như ý kiến trao đổi thảo luận tại Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về nội dung dự thảo Luật này?

Với những nội dung được Chính phủ trình Quốc hội, có thể khẳng định, dự thảo Luật lần này khá chi tiết, phong phú, đầy đủ và minh bạch. Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã điều chỉnh khá nhiều so với luật cũ. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, khoảng 90% những điều khoản của luật thuế cũ đã được chỉnh sửa từ câu chữ cho tới ý tứ và đã tham khảo nhiều thông lệ quốc tế phù hợp khi xây dựng dự thảo.

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên, cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, các cơ quan có thẩm quyền khác. Đây là điều rất tốt, là hướng mới bởi trước đây người làm luật thường quan tâm đến việc người bị điều chỉnh bởi luật đó, còn người đứng ra thực thi luật lại ít chịu trách nhiệm hơn.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, có nhiều loại hình và mặt hàng kinh doanh mới mà Luật Quản lý thuế trước đây chưa bao quát được dẫn tới thất thu thuế. Dự thảo luật lần này đã bao quát hơn, có những cải tiến rất tích cực về hiện đại hóa thu thuế với hoạt động thương mại điện tử.

Đáng chú ý, tại dự thảo, vấn đề chuyển giá (giao dịch liên kết) - vốn là bài toán nan giải của ngành Thuế thời gian qua đã có những quy định pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, những quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là khá kịp thời.

Rõ ràng chuyển giá đang là vấn đề "nóng" trong thời điểm hiện nay. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những quy định trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) liên quan đến chuyển giá?

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung một số nguyên tắc, trong đó nguyên tắc bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch, nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch, trên cơ sở đối chiếu với các giao dịch tương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh. Dự thảo cũng đồng nhất quản lý vấn đề chuyển giá của DN nước ngoài và DN trong nước chứ không phải chỉ có DN nước ngoài mới có hoạt động chuyển giá.

Theo tôi, điều này rất quan trọng, bởi vì suy cho cùng, có hoạt động giao dịch liên kết về bản chất nếu sai thì lúc đó mới thực sự đưa ra những chế tài phù hợp, còn nếu cũng là hình thức như vậy nhưng bản chất không sai thì đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy làm thế nào để phân biệt được những giao dịch đó là có chuyển giá hay không? Tất cả những giao dịch liên kết phải có kiểm soát, thống kê, hậu kiểm. Nếu thông qua những thống kê, báo cáo của họ, ta phát hiện ra hành vi chuyển giá trái pháp luật thì phải có chế tài xử lý. Muốn phát hiện ra thì phải có năng lực ở chỗ phải có số liệu so sánh, công cụ so sánh, công nghệ thông tin, kho dữ liệu lớn, trình độ của những cán bộ thực thi phải được đảm bảo. Trong luật thuế này đã đề cập đến những vấn đề đó và tôi cho rằng đó là những vấn đề hết sức cần thiết.

Như vậy, những quy định pháp lý đã khá đầy đủ. Vậy, khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thì cơ quan quản lý cần làm những gì để chính sách đi vào thực tiễn được hiệu quả?

Để Luật phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là vấn đề triển khai, thực thi như thế nào. Thứ nhất, cần nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức của công chức thực hiện, kiểm soát thu thuế cũng như các chế tài. Thứ hai là các văn bản dưới luật phải rất minh bạch, tạo thuận lợi cho DN dễ dàng thực hiện. Khi xây dựng những nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành cần bàn thảo kỹ, lấy ý kiến cộng đồng DN và đặc biệt các cơ quan thuế địa phương cũng phải có ý kiến. Đồng thời, làm sao phải giảm bớt các thủ tục hành chính và có những quy định khắt khe về việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với DN để tránh các chi phí không chính thức.

Đối với vấn đề chuyển giá, cán bộ thuế phải hiểu rất rõ về bản chất của chuyển giá và các giao dịch liên kết để có hành động thực tế hơn. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu về giá cần sớm hoàn thiện và phải cập nhật liên tục, bởi giá cả của các mặt hàng trên thị trường cũng biến đổi thường xuyên, vậy giá nào để xác định hành vi chuyển giá sai pháp luật cần được xác định rõ.

Vậy với DN, ông có khuyến nghị gì?

Đối với các DN tham gia hoạt động liên kết cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định rất rõ, nếu có giao dịch liên kết thì phải kê khai rõ các giao dịch và giá cả các giao dịch. DN phải làm rõ được trách nhiệm đó của mình và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, có đóng góp ý kiến cho cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi, tạo tính minh bạch, giảm thiểu các tiêu cực về trốn thuế, lách thuế, hay chi phí không chính thức...

XIn cảm ơn ông!

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-quan-ly-thue-kip-thoi-bo-sung-quy-dinh-ve-giao-dich-lien-ket.aspx