Sửa Luật Thi hành án hình sự: Phải quy định quyền của phạm nhân sao cho khả thi

Chiều nay 7/11, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình.

Sửa 3 nhóm nội dung

Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Dự thảo Luật có 236 điều được quy định thành 16 chương, dự kiến thay thế cho Luật Thi hành án hình sự được ban hành năm 2010. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi tập trung vào 3 nhóm nội dung.

Nhóm thứ nhất là các nội dung sửa để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân, trong đó bổ sung 9 nhóm quyền của phạm nhân được đảm bảo và 1 nhóm quyền mang tính nguyên tắc là phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại Trại giam, cơ sở giam giữ.

Nhóm thứ hai là những nội dung sửa đổi bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Có thể kể tới việc quy định cơ quan quản lý thi hành án; các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại; thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo,...

Nhóm thứ ba là những nội dung sửa đổi khắc phục những khó khăn, vướng mắc sau 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Theo Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; sửa đổi quy định thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù theo hướng bổ sung quy định gửi quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn chấp hành án về cư trú. Đồng thời, bổ sung quy định:“Đối với người được hoãn bị bệnh nặng và khó xác định tình trạng sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa và đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người được hoãn có dấu hiệu nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức.

Cùng với đó, dự Luật đã bổ sung quy định về hồ sơ quản lý phạm nhân; xếp loại chấp hành án phạt tù. Đồng thời, sửa đổi nhiều quy định có liên quan về chế độ giam giữ, trích xuất phạm nhân phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ; chế độ giam giữ cho các đối tượng đặc biệt để thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Phải căn cứ khả năng của Nhà nước

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh nội dung về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân. Cụ thể: Nhiều ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với việc dự Luật đưa ra các nhóm quyền của phạm nhân vì cho rằng, đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó đảm bảo thực hiện đầy đủ như đối với công dân bình thường ngoài xã hội.

Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu nhất như bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, quyền đảm bảo chế độ ăn mặc, quyền gặp người thân, quyền lao động, học tập,...cần đảm bảo thực hiện tốt thì một số quyền khác như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được lưu giữ trứng, tinh trùng,...đối với người chấp hành án tù còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện KT-XH, khả năng đáp ứng của Nhà nước. Vì vậy, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định Hiến pháp đối với phạm nhân cần phải có bước đi phù hợp để đảm bảo tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.

Với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án, dự thảo Luật quy định thực hiện theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, song theo Ủy ban Tư pháp, quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam có một số nội dung không phù hợp đối với người bị kết án tử hình trong thời gian thi hành án.

Theo bà Nga, thực tiễn quản lý cho thấy, một số người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án đã yêu cầu thực hiện một số quyền khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế, gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc, hoàn thiện quy định cho dự thảo Luật để khắc phục những khó khăn từ thực tiễn.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-thi-hanh-an-hinh-su-phai-quy-dinh-quyen-cua-pham-nhan-sao-cho-kha-thi.aspx