Sửa Luật Thủ đô: tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa

Sáng 15/5, Báo Kinh tế&Đô thị tổ chức tọa đàm 'Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa'.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đang tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua.

Dự Luật được giới chuyên gia đánh giá có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Đồng thời, đã cụ thể hóa tương đối đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đây là những quy định góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên cơ sở mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô và trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa với một số cơ chế đặc thù mới nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc, giá trị văn hóa của Thủ đô.

Với mong muốn phân tích sâu hơn về vấn đề này, tạo sự đồng thuận với những điểm mới liên quan đến quy định được nêu trong Dự Luật, Báo Kinh tế&Đô thị tổ chức tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”.

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”. Ảnh: Phạm Hùng

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm hôm nay gồm có:

PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV

Ông Trương Minh Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội

Bà Phạm Thị Lan Anh –Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị cho biết: "Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/1/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời, để tiếp tục góp phần hoàn thiện các chính sách nổi bật trong Dự thảo Luật trước khi Quốc hội khóa XV thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”."

Phải khẳng định, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện kể từ khi thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền Thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Tại Kỳ họp Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/5, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được trình ra thảo luận và xem xét, thông qua. Trong đó, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội được thể hiện tập trung tại Điều 21 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)."

Ông Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh: "Tổ chức tọa đàm này, chúng tôi kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, tạo ra nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.

Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến các quy định, chính sách về phát triển văn hóa được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là các chính sách mới, đặc thù. Qua đó, góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp, cũng như đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn sau khi Luật được thông qua và đi vào cuộc sống. Từ đó, đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."

Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm:

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2022-2025 là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình để phát triển và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Từ thực tiễn, các ông bà đánh giá thế nào về những nội dung trong phát triển và đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh mà Hà Nội đang triển khai?

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội trả lời:

Mục tiêu của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Ngoài đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách Hà Nội tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa. Năm 2022, Thành phố đã ban hành Nghị quyết, bổ sung nguồn vốn cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dự kiến trên 14.000 tỷ đồng, trọng tâm là đầu tư cho tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với những chủ trương, Nghị quyết và kế hoạch cụ thể sẽ góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa di sản nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV trả lời:

Văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Chúng ta tự hào Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam.

Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hóa, đây là thế mạnh của Thủ đô, và Hà Nội phải có sự điều tiết, dẫn dắt văn hóa của đất nước. Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hóa, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa.

Quốc hội vừa thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rằng, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa phải nhấn mạnh đến công nghiệp văn hóa thì Hà Nội chúng ta đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hóa đã giúp lĩnh vực gặt hái được nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, tham gia vào các không gian sáng tạo, các sự kiện công nghiệp văn hóa, chứng minh sự quan tâm của Thành ủy, UBND đối với văn hóa, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hóa…

Ông Trương Minh Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội trả lời:

Tôi cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội có thêm các cơ chế chính sách mới, thậm chí có những kỳ vọng về cơ chế chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô Hà Nội.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian qua, 10 Chương trình công tác đã được triển khai đồng bộ và đặc biệt là Chương trình 06 về phát triển văn hóa, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã có chuyển biến tích cực và tác động hai chiều.

Ví dụ, trong xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội đã có chủ trương đầu tư cho các hoạt động thiết chế văn hóa. Theo đó, các nhà văn hóa thôn được đầu tư, hỗ trợ xây dựng mới, từ đó giúp nâng cao đời sống văn hóa cho Nhân dân, trong đó có bảo tồn phát huy những giá trị di sản và xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch.

Cùng với đó, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch 217/KH-UBND để thực hiện Chương trình 06. Đồng thời, HĐND TP đã thông qua và ban hành Nghị quyết 02 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp Thành phố. Trong đó, cấp vốn cho trên 50 dự án cấp thành phố để quy hoạch, thu hồi di tích và hỗ trợ tu bổ hơn 400 di tích ở các quận, huyện, thị xã.

Để định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới là vấn đề phát triển văn hóa. Là người đã theo sát quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô sửa đổi, ông đánh giá thế nào về các cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đâu là những điểm mới nổi bật?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV trả lời:

Đầu tiên phải xuất phát từ mục đích chúng ta xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, từ đó mới hiểu sâu về câu chuyện văn hóa nằm trong này như thế nào. Luật Thủ đô (sửa đổi) của chúng ta rất đặc biệt, đặc biệt vì Thủ đô chỉ có là Hà Nội, nên chúng ta có luật riêng. TP Hồ Chí Minh hay những địa phương khác chỉ có Nghị quyết đặc thù.

Luật đã có nhưng có nhiều lý do khiến cho chúng ta phải sửa đổi. Sau khi chúng ta ban hành luật, một loạt các luật khác ban hành sau có nhiều quy định vượt trội, và luật ban hành trước của chúng ta có khá nhiều điều khoản chung chung.

Khi ban hành Luật Thủ đô, chúng ta mong muốn phân cấp phân quyền nhiều hơn cho Thủ đô, có những cơ chế, chính sách vượt trội nhiều hơn cho Thủ đô.

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ. Chúng ta dành riêng Điều 2 cho lĩnh vực văn hóa thể thao. Không chỉ Điều 21, chúng ta còn thấy ở trong Điều 39, 41, 43 có những ưu đãi về văn hóa thể thao. Điều này thể hiện Hà Nội quan tâm đến nhiều hơn các vấn đề văn hóa, và mong muốn cụ thể hóa các điều khoản văn hóa, trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển văn hóa.

Các khách mời trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành riêng Điều 21 riêng về văn hóa thể thao. Trong Điều 39 về đầu tư theo đối tác công tư. Điều 41 về quản lý tài sản công và khai thác hạ tầng, cũng đưa vấn đề văn hóa vào. Trên thực tế những vấn đề đang đặt ra với các thiết chế văn hóa Hà Nội, như bảo tàng, thư viện... đang có những vướng mắc về quản lý tài sản công. Cụ thể, Nghị định 151 về quản lý tài sản công khiến cho nhiều đơn vị có tiềm năng nhưng bị bó buộc, không thoát khỏi "vòng kim cô" của luật pháp.

Hay như quy định về ưu đãi đầu tư trong Điều 43. Chúng ta sẽ có những ưu đãi dành cho những lịch vực đột phá, không chỉ cho Thủ đô mà còn cả nước, như trong lĩnh vực văn hóa. Trong Luật Đầu tư chỉ quan tâm đến một vài lĩnh vực, thì lần này chúng ta mở rộng cho cả 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta cố gắng tháo gỡ các rào cản pháp lý để từ đó phát triển văn hóa. Từ phát triển văn hóa lan tỏa sáng sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Chúng ta đã chứng kiến trào lưu này rất nhiều trong thời gian qua. Như sự kiện Black Pink biểu diễn tại Hà Nội đã lan tỏa, ước tính đem về 600 tỷ đồng cho Hà Nội vào năm ngoái. Hay trường hợp Taylor Swift lưu diễn 6 đêm ở Singapore đã đem lại lợi nhuận hơn 8 ngàn tỷ đồng cho đất nước này.

Hà Nội có đầy đủ các lợi thế, nhưng chúng ta đang bị các rào cản pháp lý khiến chưa "bung tỏa", phát triển được. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khi Luật được ban hành sẽ có những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới.

Ở Kỳ họp thứ VI của Quốc hội vừa rồi, khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đưa ra thảo luận, những quy định về phát triển văn hóa thể thao Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội như thế nào?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV trả lời:

Trong những phiên thảo luận tại hội trường cũng như ở từng tổ trong Kỳ họp thứ VI của Quốc hội vừa rồi, mục tiêu phát triển văn hóa Thủ đô nhận được sự quan tâm rất nhiều của các đại biểu Quốc hội.

Vì trong xu thế chung, vấn đề văn hóa ngày càng được chú trọng. Ở cấp địa phương, Hà Nội chính là Thủ đô, là trung tâm mà chúng ta mong muốn văn hóa được phát triển mạnh mẽ nhất. Vì Hà Nội là tấm gương cho cả nước, truyền cảm hứng cho những địa phương khác. Chính vì thế các đại biểu Quốc hội rất tán thành có những cơ chế đặc thù để phát triển văn hóa Thủ đô.

Tôi nhớ rằng các đại biểu đã rất tâm đắc khi Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có rất nhiều điều khoản cho phát triển văn hóa, thậm chí mọi người còn mong muốn không chỉ trong dự thảo mà còn phải có nhiều hơn nữa các cơ chế đầu tư.

Trong dự thảo lần trước chỉ đưa ra một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, trong khi đó công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực. Khi đưa ra vấn đề, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao không phải tất cả 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được đưa vào Luật. Vì thế lần này chúng ta tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và đưa tất cả 12 lĩnh vực cho ngành công nghiệp văn hóa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

Thành phố đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thành lập và nội dung ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa còn gặp vướng. Theo bà, với cơ chế ưu tiên cho việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô đang được đề cập tại Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được những vấn đề gặp vướng kia không?

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội trả lời:

Những quy định mới và điểm ưu đãi, vượt trội dành cho phát triển văn hóa đã được nêu trong một số điều của Luật Thủ đô (sửa đổi), chính là sự tháo gỡ bước đầu cho vấn đề trọng tâm của TP Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài 12 nhóm ngành chung, Hà Nội còn quan tâm nhóm ngành ẩm thực - nhóm ngành đã được UNESCO đưa vào là một lĩnh vực được công nhận và vinh danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Trong đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được coi là trung tâm của cả 13 lĩnh vực này, nhưng chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, nên TP Hà Nội đã đặt ra vấn đề này đối với các cơ quan Trung ương cũng như các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, chính vì chưa có tiền lệ, chưa có mô hình nên việc nói rằng “Hà Nội gặp vướng mắc” trong trình tự thủ tục hay các vấn đề khác liên quan thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa thì cũng chưa thỏa đáng.

Do đó, chỉ cần trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có một câu đề cập đến vấn đề này thì chúng ta sẽ bàn thảo được cụ thể hơn trong thực hiện trên thực tế. Có thể thấy, hiện nay các không gian sáng tạo ở khối doanh nghiệp hay tư nhân đang rất trông chờ những ưu đãi về hợp tác công - tư, về thuế… Chẳng hạn, mới đây, các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ đã phối hợp những cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phát động Cuộc thi về ý tưởng thiết kế không gian văn hóa khu vực bãi giữa sông Hồng…

Có thể nói, để những điều này được thực hiện sẽ không còn là nhiệm vụ của riêng các nhà làm văn hóa, mà còn là việc của chính quyền các quận, huyện, thị xã; giúp hình thành được những không gian văn hóa có quy mô hoặc ngay từ những không gian nhỏ, từ đó sẽ khái quát lên để có những chính sách phù hợp cho không gian lớn hơn. Hy vọng những mô hình và ưu đãi như vậy sẽ giúp việc hình thành trung tâm văn hóa Thủ đô cho từng nhóm ngành cụ thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tốt hơn.

Hà Nội với gần 2.000 di sản văn hóa phi vật thể các loại hình đang hiện hữu, TP Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước. Bên cạnh đó, TP cũng có hàng trăm người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú. Như ông đã biết chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân còn khá ít ỏi, thường mang tính chất động viên tinh thần là chính. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã giao HĐND TP Hà Nội quy định nội dung mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên theo khả năng cân đối ngân sách TP đối với nhiều trường hợp được quy định, cụ thể trong khoản 4 Điều 21 của dự thảo Luật, trong đó có các nghệ nhân, những người thực hành di sản văn hóa phi vật thể được truyền dạy, thực hành và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Vậy theo ông, sự điều chỉnh này sẽ động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản đang nắm giữ, góp phần quan trọng làm nên giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô như thế nào?

Ông Trương Minh Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội trả lời:

Sau khi kiểm kê TP Hà Nội thống kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là bộ phận rất quan trọng của toàn bộ di sản văn hóa của Thủ đô, mang lại giá trị của Thủ đô mà còn cả dân tộc, đất nước.

Trong những năm qua, kể từ khi triển khai Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ XVII đến nay, TP có nhiều chính sách quan tâm bảo tồn di sản văn hóa. Ngành văn hóa đã triển khai tham mưu nhiều cơ chế chính sách, ngành công thương được triển khai hoạt động khuyến công, tôn vinh làng nghề.
Năm 2019, Chính phủ có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân khó khăn. Mặc dù Hà Nội không có nghệ nhân nào khó khăn nhưng chúng ta có 131 nghệ nhân được Chủ tịch nước trao tặng là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Các cụ ví như báu vật, nhân vật sống của đất nước nên cần chăm sóc, quan tâm các đối tượng này.

Năm 2022, Sở VH&TT Hà Nội tham mưu cho UBND, HĐND ra Nghị quyết số 23 về chế độ đãi ngộ với các trình diễn văn hóa phi vật thể, CLB dân gian. Mức hỗ trợ ban đầu cho CLB dân gian là 50 triệu đồng, nghệ nhân nhân dân được 40 triệu, nghệ nhân ưu tú được 30 triệu. Thù lao trình diễn mỗi buổi của nghệ nhân nhân dân là 500 nghìn đồng, ưu tú là 300 nghìn đồng,... những người truyền dạy được chế độ nhất định. Đấy là những bước rất quan trọng trong quá trình gìn giữ, chăm lo đối tượng nghệ nhân này.

Tuy nhiên, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có chính sách vượt trội. Với nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng thì giữ chế độ này cũng được nhưng cần hỗ trợ bảo hiểm y tế để chăm lo sức khỏe, hàng tháng nên có phụ cấp cho các cụ bởi có cụ không truyền dạy, biểu diễn được nữa. Có thể hàng tháng hỗ trợ các cụ 1-2 triệu. Mở thêm chính sách đối với nghệ nhân.

Hơn nữa, số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian chưa được phong tặng danh hiệu cũng rất lớn. Do vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cơ quan tham mưu Sở VH&TT cần nghĩ thêm chăm lo cho đối tượng trình diễn nghệ thuật dân gian ở cơ sở thì sẽ giúp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Hiện nay, Hiệp hội CLB UNESCO Thành phố Hà Nội có một số CLB do chúng tôi thành lập, ví dụ như: CLB ca nhạc truyền thống. Nếu theo Nghị định 45 thì đội ngũ này không thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng họ rất xứng đáng được hưởng cái chế độ này.

Với các cơ chế được đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, theo bà đã đủ giúp cho Hà Nội phát triển, đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển?

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội trả lời:

Quá trình xây dựng Luật là liên tục cần tổng kết thực tiễn, từ những vấn đề nảy sinh, để có kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách sát với thực tiễn. Nếu nói “đã đầy đủ hết chưa” thì chúng tôi chưa dám khẳng định, nhưng chỉ cần những vấn đề đã được quy định trong Luật được thực hiện và kiến nghị ban hành những văn bản dưới luật thật sự chặt chẽ và đáp ứng thực tiễn thì đã rất tốt rồi.

Bởi thực tế, ở thời điểm năm 2016 khi chúng ta thực hiện Đề án tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khi đó chưa có phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Hà Nội chưa có di sản văn hóa nào được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đến nay sau 8 năm, TP Hà Nội đã có 38 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều nhất toàn quốc. Đồng thời, khi đó chúng ta có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, thì sau này ta đã có thêm 2 di sản nữa được ghi danh vào di sản thế giới. Hơn nữa không chỉ được ghi danh độc lập của Hà Nội mà tham gia trong ghi danh của toàn quốc hoặc đa quốc gia.

Chuẩn bị cho thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng tôi đã bàn thảo việc sau đây cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành nghị định hay ban hành nghị quyết của HĐND TP hay các quyết định của UBND TP - với từng nhóm lĩnh vực cụ thể, TP đã có chỉ đạo tương đối rõ ràng.

Chắc chắn trong quá trình tham mưu sẽ có sự vào cuộc của các cơ quan lĩnh vực tư pháp để bảo đảm văn bản ban hành đúng quy định; có sự tham vấn của chuyên gia các ngành các cấp để bảo đảm văn bản ban hành có ưu đãi, phù hợp thực tiễn và đúng nguyện vọng.

HĐND TP Hà Nội, MTTQ TP Hà Nội với vai trò thẩm định hay phản biện chắc chắn sẽ triển khai xin ý kiến đóng góp của các bên và đăng tải công khai; chúng tôi sẽ cố gắng tiếp thu tối đa những ý kiến đề xuất của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, để làm sao những gì được ban hành ra sẽ phù hợp và khả thi nhất.

Báo Kinh tế & Đô thị

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tin-tuc/sua-luat-thu-do-tao-co-che-dac-thu-dot-pha-trong-phat-huy-gia-tri-van-hoa-122722.html