Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài

Chiều 11/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài''.

Quang cảnh tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài''

Luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu, khai sinh ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác.

Tuy nhiên qua 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, một số quy định, điều khoản đã không còn phù hợp thực tiễn. Từ đó, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật để tạo thêm các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, để tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm nguồn lực hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

Dự thảo Luật (sửa đổi) vừa trình và thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV được đánh giá có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Các đại biểu Quốc hội cũng đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô. Trong đó quy định về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định tại Điều 17 Chương II của Dự thảo Luật được nhận định là một nội dung rất quan trọng, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu và người dân. Bởi, trong bối cảnh tình hình hiện nay, những cơ sở pháp lý phù hợp để đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng nhân lực, để nhân tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô, sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá, đạt được các mục tiêu đề ra.

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu khai mạc tọa đàm

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh thông tin thêm, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.

Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, ngày 17/7/2013, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của TP chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần ''có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế''.

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Trong đó có đưa ra các quy định về đối tượng, quy định các chính sách kèm theo...

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh tặng hoa các vị diễn giả tham dự tọa đàm

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND TP ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Kỳ vọng về việc thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến… đây là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.

Với mong muốn phân tích sâu hơn về vấn đề này, tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và tạo sự đồng thuận với những điểm mới liên quan đến quy định được nêu trong Dự thảo Luật, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài''.

Các diễn giả tham dự tọa đàm

Các vị diễn giả tham dự tọa đàm:

TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội)

TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thay thế cho Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 với nhiều điểm mới, với nhiều chính sách có tính đột phá, vượt trội. Một trong các tư tưởng chính của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để thực hiện các chính sách đột phá ở 9 lĩnh vực khác nhau nhằm tháo gỡ, tạo cơ chế cho Thủ đô phát triển.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng công phu, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan ban ngành trung ương, chính quyền Thủ đô và người dân. Điều quan trọng nhất, muốn thực hiện các chính sách đột phá, vượt trội đó, chúng ta phải quy định và phải thực hiện thành công chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Chính sách nhân tài này của Thủ đô cần phải tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện thêm. Điều đó sẽ tạo nên điểm nhấn, dấu ấn bứt phá mạnh mẽ nhất cho 9 chính sách trong Luật Thủ đô đi vào thực tiễn, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thủ đô "Văn hiến, Văn minh và Hiện đại".

Vấn đề đãi ngộ nhân tài thông qua tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, hỗ trợ và các điều kiện sinh hoạt khác là rất quan trọng vì thuộc trong nội dung trọng dụng nhân tài. Khi muốn thu hút, trọng dụng nhân tài thì không nên rụt rè, chặt chẽ về tiền bạc.

Dự thảo Luật Thủ đô cũng cần cho Hà Nội một tư duy thoáng, cởi mở hơn về cơ chế tài chính để thực hiện thành công việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhân tài tụ hội sẽ tạo nên, sẽ làm mạnh lên “nguyên khí” cho Thủ đô phát triển.

TS. Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội)

TS. Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội):

Việc thu hút nhân tài ở tầm quốc gia hay tầm thời đại cũng vậy đều rất quan trọng. Thủ đô Hà Nội không thu hút, không trọng dụng được nhân tài là thất bại, nên chuyện quy định này là điều đáng hoan nghênh vì Hà Nội, làm cho Thủ đô Hà Nội có vị trí rất đặc biệt, rất hay, rất cao nhưng đòi hỏi phải có tài mới làm được.

Ví dụ như cũng là giao thông, văn hóa, nhưng ở Hà Nội khác các nơi khác, vì vậy cần phải có nguồn nhân lực. Đặc biệt trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu về nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi cho rằng rất phù hợp. Tôi cho rằng nếu người tài đúng nghĩa thì trong một thời đại, một đất nước không nhiều. Tài thật sự chứ đừng nhầm lẫn với người học giỏi, bằng cấp cao.

Để tạo ra được một người tài có nhiều điều kiện không chỉ là vật chất mà đôi khi lịch sử tạo cơ hội để người đó trở thành người tài. Nhưng ở xã hội hiện đại thì nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng. Tôi rất đồng tình với việc dùng đúng người, phân công công việc rõ theo vị trí việc làm, công tác cán bộ chính sách phải cụ thể.

Hiện nay có thuận lợi là trong giai đoạn chúng ta làm lương theo vị trí việc làm, vì thế phải chọn người đúng vị trí với việc làm. Những nội dung này đại biểu Quốc hội và người dân đều hiểu, điều quan trọng là trong Luật phải quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm. Người được lựa chọn vào vị trí người tài, nhân lực chất lượng cao là ai?

Hà Nội đã có lựa chọn trong lĩnh vực này, ví dụ như về lĩnh vực văn hóa, Nhà hát chèo Hà Nội đã thu hút được nhiều nghệ sỹ tài năng ở các địa phương khác. Lúc đó cơ chế nhập khẩu rất khó khăn nhưng Hà Nội đã tạo điều kiện để nghệ sỹ tài về làm cho Hà Nội.

Theo tôi Luật phải có cơ chế rõ ràng, gắn rõ quyền lợi và trách nhiệm. Phải nêu rõ thẩm quyền ai là lựa chọn người tài cũng, phải nêu trách nhiệm của người tuyển dụng để chọn đúng người; người tuyển dụng phải có tầm nhìn, tuyển đúng người, đúng việc thì mới ra người tài. Cong nhiều điều để trao đổi nhưng quan trọng là phải có cơ chế đặc biệt, có sự phân cấp phân quyền rõ ràng.

Tôi muốn nhấn mạnh phải ghi rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người làm việc này. Nếu được thì công khai danh tính ai tuyển người này, ai giới thiệu người này. Tuyển về trọng dụng bằng việc làm, bằng thứ mình đang cần. Điều này liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm. Ai làm tốt việc này, nhất là ở vị trí lãnh đạo cần được khen thưởng, thăng cấp. Người cán bộ đi tìm người tài, người giỏi để hoàn thành nhiệm vụ mình được phân công phải được khen thưởng chứ không nên khen thưởng theo cấp bậc, chức vụ thì không chuẩn xác vì đây là việc lớn, liên quan đến con người.

Người đó có phải người tài hay không, có thực sự thật tâm, thực sự đóng góp cho Hà Nội cho đất nước hay không là cả một vấn đề. Thước đo này không thể chung chung mà phải cụ thể, công phu để tạo dựng được một người làm việc có chất lượng cao, hiệu quả.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội:

Trong Điều 17 Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 1 điều riêng “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” - thể hiện được tinh thần vượt trội, không những tuyển dụng các sinh viên xuất sắc, mà mở rộng thêm cả người nước ngoài; đồng thời bao quát ở nhiều lĩnh vực.

Thực tế, Hà Nội mới thu hút được 55 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, 77 vận động viên có thành tích cao, 32 bác sĩ chuyên khoa nội trú trong 10 năm qua. Mặc dù thành phố quan tâm, trọng dung nhân tài nhưng hiệu quả chưa nhiều.

Điểm mới trong dự thảo Luật là thay đổi, mở rộng thêm các đối tượng; đồng thời, thể hiện tinh thần phân quyền của Trung ương cho HĐND TP Hà Nội. Nếu HĐND TP ban hành nghị quyết, sẽ cụ thể hóa được cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, điều kiện thế nào để trở thành nhân tài, phải chia ra các nhóm khác nhau.

Khi chính sách này được áp dụng, phải quy định rõ công việc, vị trí việc làm thế nào để thể hiện được chính sách vượt trội. Cùng đó, có cơ chế, thủ tục tuyển dụng đơn giản; khi tuyển dụng vào rồi phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch, điều chỉnh chính sách. Quan trọng nhất, đó là phải có môi trường cho họ phát huy được năng lực, đảm bảo điều kiện về lương, chính sách vượt trội mới có thể giữ chân được người tài. Do đó, Hà Nội phải cụ thể hóa trong nghị quyết của HĐND TP.

Thời gian qua, các cơ quan của Hà Nội chưa thực sự chủ động trong việc tìm người tài, chủ yếu tìm kiếm người tài qua thành tích học tập xuất sắc, chưa thực sự tìm kiếm qua thực tiễn, quá trình làm việc. Kết quả thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân lớn chủ yếu tuyển dụng họ vào rồi nhưng vị trí việc làm chưa phát huy được năng lực, sở trường.

Cùng đó, chế độ chính sách dành cho những người tài chưa thể giữ chân được họ vì còn những rào cản về thể chế, văn hóa công sở - tập thể, còn có sự đố kị, chưa tạo được môi trường cho người tài phát huy được năng lực. Do đó, Hà Nội chưa thu hút, trọng dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Qua tìm hiểu, tôi thấy có 2 quốc gia thể hiện được chính sách vượt trội trong thu hút nhân tài, đó là ở Mỹ và Singapore. Tại Mỹ, có cơ quan chuyên thu hút, trọng dụng nhân tài; thông tin chi tiết, đảm bảo lộ trình, công khai trên cổng thông tin của quốc gia, cụ thể cơ quan nào đang thiếu vị trí nào, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh đó, tại đây còn lập kế hoạch đào tạo, sát hạch nhân sự. Thông tin cụ thể chính sách thăng tiến, bổ nhiệm vị trí trong bao lâu; chế độ an sinh đầu tư cho người tài rất nhiều; nguồn lực tài chính dồi dào. Thông tin rõ ban đầu về vị trí việc làm, môi trường làm việc…

Tại Singapore, ngoài chính sách tương tự như ở Mỹ, các chế độ chi trả lương, tiền thuế, thu nhập cá nhân cũng được thực hiện tốt. Chế độ an sinh tại Singapore được coi trọng, để người tài có thể nuôi sống cả gia đình…

Nhóm PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sua-luat-thu-do-tao-co-che-dot-pha-trong-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-363218.html