Sửa Luật Việc làm: Chú trọng lao động nữ tại khu vực phi chính thức

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Chú trọng lao động nữ tại khu vực phi chính thức khi sửa Luật Việc làm. (Ảnh minh họa)

Chú trọng lao động nữ tại khu vực phi chính thức khi sửa Luật Việc làm. (Ảnh minh họa)

Tháng 6/2022 tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, con số thống kê cho thấy, cả nước có 53,4% lao động phi chính thức là lao động làm công ăn lương tương ứng với 9,6 triệu người, có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương), trong khi đó chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.

Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao (80,5%), ông Lợi cho biết. Số giờ làm việc của lao động phi chính thức làm công ăn lương là 49,2 giờ/tuần, hơn hai giờ so với lao động chính thức làm công ăn lương (47,2 giờ/tuần) và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (48 giờ/tuần).

Đặc biệt, tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng). Trong khi chỉ có 1,7% lao động chính thức không được ký hợp đồng lao động thì có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm, cụ thể hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và không có bất cứ một thỏa thuận nào (14,6%).

Bên cạnh những bất lợi trên thì nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương, trong khi con số này ở nữ giới lên tới 59,6%.

Quan điểm của các đại biểu tham dự diễn đàn là để bảo vệ quyền lợi của người lao động phi chính thức, một số điều khoản trong hệ thống pháp luật hiện hành phải phù hợp theo cách tiếp cận có tính bảo vệ trong Bộ luật Lao động vừa sửa đổi. Đơn cử như trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề và hoạt động kinh tế, mà trước đây không cho phép phụ nữ tham gia vì mục đích bảo vệ. Bên cạnh đó, người lao động phi chính thức cần được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh và an sinh xã hội…

Luật Việc làm của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 là văn bản luật đầu tiên quy định các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với những thay đổi của thị trường lao động. Bên cạnh những hạn chế khác, Luật Việc làm chưa có quy định về chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức...

Từ thực tế trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động. Bộ dự kiến đề xuất xây dựng 4 nhóm chính sách: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nói chung, một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù nói riêng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, nhất là lao động nữ; bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động…

H.Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sua-luat-viec-lam-chu-trong-lao-dong-nu-tai-khu-vuc-phi-chinh-thuc-post466416.html