Sửa luật Xây dựng có giải quyết được bức xúc 'phạt cho tồn tại'?

Trong quá trình cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng, vấn đề xử lý sai phạm trật tự xây dựng đã được nêu ra bàn luận. Câu chuyện 'phạt cho tồn tại' vẫn khiến cơ quan quản lý gặp khó từ nhiều năm nay.

Chiều 23/9, tại văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM diễn ra Hội thảo Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật Xây dựng.

Theo đại diện bộ Xây dựng, việc sửa luật lần này tuân thủ các nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.

Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực này; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan…

Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, việc sửa đổi luật lần này có chấm dứt được tình trạng sai phạm trong các công trình xây dựng hay không.

“Có hiện tượng “phạt cho tồn tại” thì dự luật này phải đưa ra nguyên tắc phạt phải xử lý, bởi cho tồn tại là mất tính răn đe, dẫn đến tình trạng cứ có tiền nộp phạt là được tồn tại”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải từng cho biết.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang phổ biến tại nhiều địa phương.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang phổ biến tại nhiều địa phương.

Góp ý kiến về vấn đề này tại buổi hội thảo góp ý của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vào chiều 23/9, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản cho rằng, thực trạng “phạt cho tồn tại” có nguyên nhân từ nhiều phía.

Trong trường hợp chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và sẽ bị yêu cầu dừng thi công, nhận quyết định xử phạt đối với công trình vi phạm.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị xin cấp phép xây dựng.

Hết thời hạn này mà không xuất trình giấy phép xây dựng thì không được tiếp tục xây dựng và sẽ bị buộc tháo dỡ công trình.

“Đây cũng là vấn đề nhức nhối vì hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra quá nhiều. Mà muốn giải quyết vấn đề thì cần tập trung vào hai nhóm giải pháp. Thứ nhất, phải làm chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết để người dân nắm rõ. Thứ hai, thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng phải nhanh, gọn để người dân dễ làm. Còn việc tăng cường kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng là đương nhiên, cần giám sát chặt chẽ và thường xuyên”, ông Châu chia sẻ.

Còn theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, các công trình sai phạm dứt khoát phải bị phá dỡ, ít nhất là phá phần xây sai phép có thế mới đủ sức răn đe, mới thể hiện sức mạnh và hiệu lực quản lý của chính quyền.

Quy định phạt cho tồn tại có thể áp dụng cho cụ thể từng loại công trình hay từng thời điểm. Nếu phạt cho tồn tại thì sẽ bất hợp lý với những nhà xây sai phép đã bị phá dỡ.

Luật sư Trần Hậu, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, nếu các công trình xây dựng sai phép không được xử lý triệt để sẽ dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật.

“Người xây dựng sẽ cố tình sai phạm, rồi khi bị phát hiện lại tìm cách hợp thức hóa, luồn lách để công trình được tồn tại. Nếu chỉ phạt tiền thì mức phạt ấy quá nhẹ so với sai phạm đã thực hiện”, luật sư Trần Hậu nhận xét.

Làm sao để giải quyết thực trạng "phạt cho tồn tại"?

Hà Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sua-luat-xay-dung-co-giai-quyet-duoc-buc-xuc-phat-cho-ton-tai-a450136.html