Sửa những quy định gì về trị giá hải quan?

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC hiện đang được Tổng cục Hải quan triển khai họp bàn và sẽ thực hiện lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 5/2019.

Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Bổ sung một số khái niệm

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tại Thông tư 39/2015/TT-BTC có một số khái niệm chưa được rõ ràng. Cụ thể tại Điều 6 Thông tư 39 đang quy định trị giá giao dịch là giá thực tế mà người mua đã thực thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán; giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán trực tiếp hoặc gián tiếp cho hàng hóa NK, tuy nhiên chưa có khái niệm “đã thanh toán”, “sẽ phải thanh toán”, “thanh toán trực tiếp”, “thanh toán gián tiếp” để xác định thời điểm và các chứng từ cần phải xuất trình khi kiểm tra trị giá.

Bên cạnh đó, tại Điều 9 Thông tư 39 có quy định về việc khi sử dụng phương pháp trị giá giao dịch hàng hóa NK giống hệt, tương tự thì cơ quan Hải quan phải điều chỉnh về “cấp độ thương mại”, tuy nhiên chưa có định nghĩa về “cấp độ thương mại”, dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn lô hàng có cùng cấp độ thương mại.

Vì vậy, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, Tổng cục Hải quan đề xuất bổ sung tại Điều 2 thêm định nghĩa về khái niệm: “đã thanh toán”, “sẽ phải thanh toán”, “thanh toán trực tiếp”, “thanh toán gián tiếp”, “cấp độ thương mại” để tạo sự minh bạch, thống nhất trong cách hiểu và cách thực hiện.

Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan Hải quan

Theo quy định hiện hành tại Khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, xác định trị giá, song chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc yêu cầu người khai hải quan xuất trình các chứng từ, tài liệu liên quan đến xác định trị giá hải quan. Cùng với đó chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan là phải giải thích rõ về căn cứ, cơ sở xác định lại trị giá hải quan khi người khai hải quan có văn bản yêu cầu (trong khi tại quyền của người khai hải quan thì có quy định việc này). Do sự thiếu cân đối về quyền và trách nhiệm này gây bức xúc cho DN, dẫn tới DN khiếu nại, khiếu kiện về quyết định xác định giá của cơ quan Hải quan.

Vì vậy, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, Tổng cục Hải quan đề xuất bổ sung quy định đề nghị người khai hải quan xuất trình chứng từ, tài liệu trong hồ sơ hải quan quy định tại Khoản 5, khoản 6 Điều 1 Thông tư 39/2015/TT-BTC. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thông báo bằng văn bản khi cơ quan Hải quan kiểm tra, xác định trị giá và bổ sung thêm trường hợp cơ quan Hải quan được xác định trị giá.

Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan

Tại Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK, tuy nhiên thời gian thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc cần phải sửa đổi, trong đó là những vướng mắc trong xử lý các chi phí phát sinh trước khi XK. Trong điều khoản sửa đổi sẽ bổ sung thêm hướng dẫn xem xét các chi phí theo nguyên tắc: Chỉ xem xét các khoản tiền trực tiếp liên quan đến việc bán và XK hàng hóa; chi phí phát sinh do hoạt động kinh tế thực hiện trước khi hàng hóa đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải được tính vào trị giá hải quan; chi phí phát sinh do hoạt động kinh tế xảy ra sau khi hàng hóa đã được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì không tính vào trị giá hải quan.

Vì vậy, sửa đổi quy định này, Tổng cục Hải quan đề xuất bổ sung Điều 4a Thông tư 39/2015/TT-BTC bằng Khoản 15 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC và sửa đổi theo hướng quy định cụ thể và chi tiết hơn trong phương pháp giá bán tính đến cửa khẩu xuất, phương pháp trị giá của hàng tương tự, giống hệt.

Một nội dung nữa được Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi là nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng NK theo trình tự các phương pháp. Tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC đã quy định về nguyên tắc và trình tự áp dụng phương pháp xác định trị giá, theo đó việc xác định trị giá hải quan phải được thực hiện bằng 1 trong 6 phương pháp đã quy định, theo trình tự tuần tự từ phương pháp 1 đến phương pháp 6. Nguyên tắc này phải được người khai hải quan tuân thủ khi xác định trị giá và khai báo hải quan; cũng phải được cơ quan Hải quan tuân thủ khi xác định lại trị giá hải quan cho hàng hóa, cả ở khâu trong thông quan và sau thông quan. Tuy nhiên, trên thực tế đã có trường hợp không tuân thủ đầy đủ, dẫn đến áp dụng phương pháp không đúng, không có cơ sở...

Theo đó, Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 5 theo hướng bổ sung việc xác định trị giá phải căn cứ vào chứng từ, tài liệu hợp pháp, khách quan, cụ thể, khi điều chỉnh các khoản cộng hoặc trừ phải có số liệu khách quan, định lượng.

Phương pháp xác định trị giá hải quan

Với phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa NK theo phương pháp trị giá giao dịch hiện đang vướng mắc với một số quy định về hàng hóa NK có chứa phần mềm, quy định về chứng minh mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến trị giá hải quan… Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bổ sung trị giá hải quan theo trị giá giao dịch, dự kiến bổ sung vào trước khoản 1 hiện hành; bổ sung hướng dẫn về điều kiện áp dụng phương pháp 1, trong đó nêu rõ chỉ được bác bỏ phương pháp nếu không đáp ứng ít nhất 1 trong 4 điều kiện.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư sửa đổi dự kiến sửa đổi theo hướng quy định rõ hàng hóa là máy móc, thiết bị có chứa phần mềm trường hợp nào cộng, trường hợp nào không cộng.

Về mối quan hệ đặc biệt, dự thảo Thông tư sửa đổi quy định rõ thông tin liên quan là thông tin nào, cơ sở để chấp nhận hoặc không chấp nhận giải trình của DN để đảm bảo việc đưa ra kết luận mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến trị giá hải quan.

Quy định về các khoản điều chỉnh cộng và tiền bản quyền, chi phí giấy phép…, Tổng cục Hải quan đề xuất bổ sung theo hướng quy định rõ khái niệm về các khoản điều chỉnh cộng và sửa đổi, bổ sung Điều 14 Thông tư 39 theo hướng lược bớt những nội dung không cần thiết, chi tiết hóa phần hướng dẫn cách thức xác định trị giá của khoản điều chỉnh trong từng trường hợp cụ thể.

Với các khoản điều chỉnh trừ, dự thảo Thông tư sửa đổi cũng bổ sung theo hướng quy định rõ khái niệm về các khoản điều chỉnh trừ, sửa đổi quy định về khoản giảm giá, chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại, chi phí về dịch vụ mở Thư tín dụng, phí dịch vụ chuyển tiền.

Với phương pháp xác định trị giá hải quan đối với phương pháp xác định trị giá giao dịch của hàng hóa NK tương tự quy định tại Điều 9 Thông tư 39/2015/TT-BTC, vướng mắc hiện nay còn thiếu hướng dẫn chi tiết cách hiểu và quy đổi trị giá giao dịch của hàng tương tự theo cấp độ thương mại và số lượng, quãng đường và phương thức vận tải, bảo hiểm để xác định trị giá hải quan cho lô hàng cần xác định trị giá. Vì vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung hướng dẫn chi tiết cách hiểu và quy đổi trị giá giao dịch theo cấp độ thương mại và số lượng, quãng đường và phương thức vận tải, bảo hiểm.

Xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa NK theo phương pháp suy luận, dự thảo Thông tư sẽ quy định chi tiết trường hợp không được sử dụng để xác định trị giá hải quan, trong đó nhấn mạnh việc không được sử dụng tài liệu, mức giá không có thật, chưa từng xảy ra giao dịch thật để làm cơ sở xác định trị giá hải quan.

Đặc biệt, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC sẽ bổ sung việc xác định trị giá đối với một số trường hợp hàng hóa XNK đặc thù như: Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng để bán thanh lý, đã hoặc chưa có thỏa thuận mua bán, giá cả mua bán thanh lý; hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng để tiêu hủy; hóa thay đổi vào mục đích sử dụng không được miễn thuế tại DN, hàng hóa vẫn thuộc quyền sở hữu của DN NK; hàng quà biếu, quà tặng; hàng không thanh toán (free of charge).

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC sẽ sửa đổi tiêu chí xây dựng, bổ sung, sửa đổi mặt hàng trong Danh mục hàng hóa XK, NK rủi ro về trị giá trong đó sẽ bổ sung danh sách DN rủi ro về xác định trị giá hải quan vào cơ sở dữ liệu trị giá.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2015/TT-BTC sau khi được họp bàn sẽ được Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính vào cuối tháng 4/2019, trong tháng 5 sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành liên quan và cộng đồng DN và sẽ được Bộ Tài chính ký ban hành trong tháng 6/2019.

Thu Trang

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/sua-nhung-quy-dinh-gi-ve-tri-gia-hai-quan-103561.html