Sửa quy định cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định ATKT & BVMT xe cơ giới và Thông tư 03/2018 quy định về kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT ô tô nhập khẩu.

Ô tô mất giấy chứng nhận đăng kiểm phải trình báo công an

Theo dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất trường hợp ô tô mất tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị đăng kiểm, trình báo và có xác nhận của cơ quan công an nơi mất giấy tờ, thực hiện thông báo tìm kiếm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ GTVT đề xuất trường hợp ô tô mất giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định, chủ xe phải trình báo cơ quan công an, sau 30 ngày nếu không tìm thấy mới được kiểm định lại.

Khi nhận được văn bản thông báo, đơn vị đăng kiểm thực hiện nhập thông tin về việc mất giấy tờ lên phần mềm cảnh báo xe cơ giới.

Sau 30 ngày kể từ ngày đơn vị đăng kiểm nhận được văn bản thông báo, nếu không tìm được giấy tờ đã mất, chủ xe đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định và cấp mới giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định.

Khi đưa xe đến cần khai báo theo mẫu quy định, mang theo các giấy tờ liên quan đến phương tiện, bằng chứng về việc đã thông báo tìm kiếm giấy chứng nhận bị mất và giấy xác nhận của cơ quan công an.

Đối với trường hợp xe có tem hoặc giấy chứng nhận kiểm định bị hỏng, rách, chủ xe đưa phương tiện và giấy tờ trên đến đơn vị đăng kiểm và khai báo theo mẫu quy định mới được kiểm định để cấp tem, giấy chứng nhận đăng kiểm mới.

Trường hợp xe bị tai nạn dẫn đến giấy chứng nhận hoặc tem đăng kiểm bị mất cũng phải có xác nhận của cơ quan công an, sau khi phương tiện đã khắc phục sửa chữa xong sẽ được thực hiện kiểm định để cấp tem, giấy đăng kiểm.

Lý giải đề xuất trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Cục này nhận được nhiều phản ánh của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới về việc chủ phương tiện lợi dụng quy định cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định bị mất mà không cần khai báo để bóc giấy chứng nhận, tem kiểm định đã được cấp (không kinh doanh). Và lại đề nghị đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cấp lại hoặc kiểm định cấp mới giấy chứng nhận, tem kiểm định (có kinh doanh) để được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải.

Sau đó, chủ xe dán lại giấy chứng nhận và tem kiểm định không kinh doanh để tham gia giao thông tại các khu vực cấm xe kinh doanh hoạt động, gây mất trật tự an toàn giao thông.

"Có trường hợp đưa xe đến trung tâm đăng kiểm kiểm định xe, được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định xe không đăng ký kinh doanh vận tải (bìa màu xanh) nhưng chỉ vài ngày sau đã đến báo mất cả giấy chứng nhận và tem kiểm định xin cấp lại giấy chứng nhận, tem kiểm định nhưng khai báo xe đăng ký kinh doanh vận tải để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định cho xe kinh doanh vận tải (bìa màu vàng)", đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm VN nói và cho biết: Hiếm có trường hợp mất cả giấy chứng nhận, tem kiểm định cùng lúc trừ trường hợp xe tai nạn bị vỡ kính lái. Do đó, không loại trừ khả năng một số người cố ý lợi dụng quy định để vi phạm, làm mất trật tự an toàn giao thông.

"Để đảm bảo nâng cao trách nhiệm trong quản lý hoạt động GTVT, Cục Đăng kiểm VN nhận thấy cần siết chặt quy định này để nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo quản, giữ gìn giấy chứng nhận, tem kiểm định và kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng quy định để vi phạm pháp luật", Cục Đăng kiểm VN nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng đề xuất cho phép được khắc phục một số hạng mục hư hỏng trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam đối với ô tô nhập khẩu (ảnh minh họa).

Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận tạm thời 15 ngày

Tại quy định trường hợp xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày khi kiểm định đạt yêu cầu, Bộ GTVT đề xuất cho phép doanh nghiệp ngoài việc chạy tự kiểm tra trong đường nội bộ của nhà máy có thể phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc chạy thử tạo thuận lợi doanh nghiệp, giảm bớt chi phí.

Cụ thể, xe cơ giới có nhu cầu di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thực hiện chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT, khi kiểm định chủ xe cần cung cấp: văn bản cam kết của nhà sản xuất về việc chịu trách nhiệm đảm bảo ATKT & BVMT trong quá trình di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, trong đó bao gồm cả phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động; bản khai thông số kỹ thuật.

Cùng đó là tài liệu chứng minh phương tiện đã được chạy thử trong đường nội bộ của nhà máy tối thiểu 3000 km và kết quả tự kiểm tra sau khi kết thúc quá trình chạy thử thể hiện xe đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với trường hợp phương tiện đã được chạy thử tại đường nội bộ tối thiểu 3000 km.

Trường hợp phương tiện chưa được chạy thử, cần cung cấp báo cáo thử nghiệm toàn xe đạt yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ GTVT về chất lượng ATKT & BVMT đối với xe ô tô (trừ thử nghiệm: khí thải; góc ổn định tĩnh ngang khi không tải; số khung; chỉ tiêu công suất động cơ cho 1 tấn khối lượng toàn bộ theo thiết kế và các linh kiện: gương chiếu hậu, kính, đèn chiếu sáng phía trước, lốp, vành hợp kim, vật liệu chống cháy, kết cấu an toàn chống cháy; bình chứa nhiên liệu LPG; bình chứa nhiên liệu CNG).

Trong Giấy chứng nhận kiểm định phải có ghi chú: "Chủ xe phải chạy đúng phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển".

Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, trường hợp ô tô nhập khẩu bị hư hại trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, người nhập khẩu được phép khắc phục một số hạng mục như: thân vỏ, buồng lái, thùng hàng bị móp méo, có lớp sơn bị trầy xước hoặc ô xi hóa cục bộ nhưng không bị mọt, thủng; kính chắn gió, kính cửa, kính cửa sổ bị nứt, vỡ; hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu bị nứt, vỡ; các rơ le điều khiển bị thiếu; gương chiếu hậu bị nứt, vỡ; gạt nước bị hư hại hoặc hoạt động không bình thường; ắc quy khởi động động cơ không hoạt động.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, qua quá trình rà soát cũng như phản ánh của doanh nghiệp nhập khẩu về một số quy định chưa phù hợp như: các trường hợp bị hư hại trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hạng mục kính chắn gió, kính cửa, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu... (các hạng mục dễ bị hư hại trong quá trình vận chuyển) gây thiệt hại cho doanh nghiệp do quy định hiện hành không được khắc phục các hạng mục này.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-quy-dinh-cap-lai-giay-chung-nhan-dang-kiem-192240325175553701.htm