Sửa tàu Cát Linh-Hà Đông, Trung Quốc chưa nghe: Tội hình thức

Phải thực sự lắng nghe ý kiến của dân, khi dân đóng góp đúng thì phải sửa, còn nên tránh tối đa những cuộc đối thoại mang tính chất hình thức.

Sự ràng buộc và lỗi phía Việt Nam

Sau khi phía Việt Nam yêu cầu làm nổi nét chữ Cát Linh - Hà Đông và biểu tượng Khuê Văn Các lên trước mặt đầu tàu, Tổng thầu, Nhà sản xuất Trung Quốc báo cáo không thể đúc nổi chữ và biểu tượng lên trên đầu tàu do khuôn đúc đầu tàu đã hoàn thành và đã đi vào sản xuất được 10 đầu tàu.

Điều đặc biệt, theo các chuyên gia, Ban quản lý phía Việt Nam phải chấp thuận hợp đồng thì Trung Quốc mới sản xuất, nên việc cho người dân xem và góp ý cho đoàn tàu, nhưng không được tiếp thu là rất lạ.

TQ chưa đổi thiết kế tàu Cát Linh-Hà Đông: Sự phụ thuộc

Trước sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Bùi Thị An (ĐBQH đoàn TP Hà Nội) cho biết: "Đầu tàu không chỉ mang ý nghĩa phải đảm bảo giao thông của người dân Việt Nam, mà nó còn là hình ảnh giao lưu trên toàn bộ một vùng, một lãnh thổ đất nước, nó thể hiện biểu tượng văn hóa, văn minh của một dân tộc.

Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao trước khi làm khuôn đúc sẵn phía quản lý Việt Nam và Trung Quốc không trao đổi với nhau, để khi đã sản xuất rồi rất khó thay đổi".

Nhưng theo quan điểm của bà An, vẫn phải kiên quyết đề nghị khắc phục vì còn tàu là mãi mãi, những hình ảnh đoàn tàu sẽ lưu truyền mãi trong dân, kể cả người tham gia cũng như không tham gia giao thông, đó là hình thức thể hiện biểu tượng của đất nước, của thủ đô.

Mô hình tàu Cát Linh - Hà Đông

Cho nên, phải cẩn thận làm sao cho thật chuẩn, đừng vì vấn đề thời gian, làm cho kịp tiến độ, cuối cùng để lại hình ảnh không "đẹp" trong con mắt người dân Hà Nội, Việt Nam cũng như du khách quốc tế.

"Hà Nội không những là thủ đô của đất nước, mà còn là trung tâm khoa học, văn hóa, chính trị là sự giao lưu của cả vùng Đông Nam Á, đừng nghĩ điều đó đơn giản chỉ là đầu tàu, mà đó còn là biểu tượng văn hóa, thể hiện văn hóa giao thông cho nên hình ảnh phải lưu giữ đẹp.

Không vì thời gian mà làm vội vàng, để lưu truyền từ năm này qua năm khác, ít nhất một cái đầu tàu phải tồn tại nhiều năm. Phải thể hiện rõ quan điểm, kiên quyết sửa chữa từ ban đầu", bà An nói.

Mặt khác, theo bà An, thì chuyện đối thoại với dân, xin ý kiến của dân thể hiện một điều là dân có quyền được biết, nhưng phải tránh chuyện đối thoại mang tính chất hình thức. Phải thực sự lắng nghe ý kiến của dân, khi dân đóng góp đúng thì phải sửa, còn nên tránh tối đa những cuộc đối thoại mang tính chất hình thức như vụ việc tàu Cát Linh - Hà Đông.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng cho biết: "Ở đây là Ban quản lý dự án, cơ quan chức năng đã đồng ý mẫu thì họ mới sản xuất.

Bởi vì, theo hợp đồng sẽ có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ, phải sản xuất theo mẫu mã đã được thống nhất giữa hai bên, thế nên trong trường hợp này nếu trả lời không thay đổi được, cũng là có lý của họ, chắc chắn họ làm theo mẫu thiết kế đã được bên A là Việt Nam phê duyệt, đã sản xuất rồi, không thay đổi được.

Ở đây cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, nếu thay đổi cũng coi như phá vỡ hợp đồng, sản xuất logo khác, vỏ mới sẽ liên quan đến kinh tế.

Bên cạnh đó, khi chúng ta phụ thuộc vào nguồn vốn, thì sẽ có nhiều điều khoản ràng buộc, đó là chuyện bình thường".

Chính vì thế, vừa qua cơ quan chức năng coi như chỉ là thông báo, chứ không phải lấy ý kiến, nên khi dân góp ý không sửa dễ dàng được. Hơn nữa, không chỉ riêng đối tác Trung Quốc mà các nước khác, khi ký kết hay vay vốn đều sẽ phải có những điều kiện ràng buộc, có thể mức độ yêu cầu khác nhau, còn cho vay vốn phải có điều kiện nhất định.

Phải xử lý mạnh mẽ để nhà thầu có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Thắng, nếu giả sử không có điều kiện lựa chọn nhà thầu, thì buộc phải lựa chọn một nhà thầu duy nhất nào đó. Nhưng nếu như có nhiều đối tác để chọn lựa, nhưng rất nhiều nước ngỏ ý hợp tác với Việt Nam như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc...thì cần có sự xem xét về kỹ thuật, công nghệ.

Phải đặt ra những câu hỏi như: Tại sao ta lại lựa chọn Trung Quốc liệu là có ưu đãi gì hay không? Rõ ràng vốn, chi phí không hề thấp hơn, mà lại công nghệ, kỹ thuật không yên tâm bằng, liệu có lý do nào ẩn đằng sau?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-tau-cat-linh-ha-dong-trung-quoc-chua-nghe-toi-hinh-thuc-3299546/