Sức bật của kinh tế tập thể

Trong định hướng phát triển kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là phấn đấu KTTT đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp trọng tâm.

Các sản phẩm thủy hải sản của HTX dịch vụ thủy sản Đức Thịnh trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại các HTX và DN trong và ngoài tỉnh do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.

Các sản phẩm thủy hải sản của HTX dịch vụ thủy sản Đức Thịnh trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại các HTX và DN trong và ngoài tỉnh do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.

ỨNG DỤNG KHKT VÀO SẢN XUẤT

Đầu tháng 11/2020, 21 sản phẩm của tỉnh đủ điều kiện gắn sao chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, trong đó, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây (HTX Bầu Mây) có 6 sản phẩm được gắn sao gồm: tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu muối tươi, tiêu không hạt và khoai mài. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh có sản phẩm được gắn 5 sao.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Bầu Mây chia sẻ, để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thời gian qua dưới sự hướng dẫn, tư vấn của ngành nông nghiệp, HTX tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì. Theo đó, trong gần 1.000ha sản xuất tiêu, thì có 15ha được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP). Trên 15ha này, HTX đã gắn bảng theo dõi, ghi nhật ký sản xuất quy trình sinh trưởng từ khi trồng đến khi thu hoạch. Trong suốt quá trình trồng, việc sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc... được kiểm soát nghiêm ngặt. Khi sản phẩm đưa ra thị trường được đăng ký mã vạch, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc không ngừng học hỏi, ứng dụng tiến bộ KHKT và canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, HTX Bầu Mây đã mở ra cánh cửa cho nông dân trực tiếp làm ăn lớn, bớt phụ thuộc vào thương lái. Hiện trung bình mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 200 tấn hạt tiêu đen, tiêu đỏ và hàng trăm tấn tiêu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Dubai, Mỹ, Anh… Nhờ đó, dù giá tiêu hiện nay xuống thấp, nông dân lỗ nặng, nhưng HTX Bầu Mây không những trụ vững mà còn bán được tiêu với giá cao từ 2,2 - 15 triệu đồng/kg (tùy loại) ở thị trường trong nước và giá xuất khẩu là 22 triệu đồng/kg (tiêu không hạt).

Máy sạ hàng, vùi phân được Chi cục Phát triển nông thôn trao cho HTX NN- DV An Nhứt theo chương trình hỗ trợ phát triển HTX điểm.

Tại HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa), trong mấy năm gần đây cũng chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ, áp dụng KHKT vào nuôi tôm công nghệ cao. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cho biết: Năm 2019, HTX triển khai nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Mô hình này giúp giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, đồng thời tăng năng suất, chất lượng tôm thương phẩm.

HTX đã quy hoạch và tận dụng khoảng 2ha nuôi tôm công nghệ cao, với 2 khu nuôi, mỗi khu 4 hồ nuôi (500m2), 2 ao thải và 3 ao lắng. Với công nghệ RAS, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng. Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.

Hiện HTX đang nuôi 3 vụ/năm, năng suất đạt 20-25 tấn/vụ/khu, doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 2-3 tỷ đồng.

TIẾP TỤC TẠO ĐÀ CHO KTTT PHÁT TRIỂN

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đưa KTTT đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tập trung phát triển HTX đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, tỉnh cũng khuyến khích mô hình KTTT mở rộng quy mô, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với DN; bảo đảm lợi ích thành viên... Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình KTTT gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để tạo đà cho KTTT phát triển, trong giai đoạn tiếp theo, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp thực hiện cơ chế, chính sách đối với KTTT… Trong đó, tập trung phát triển kinh tế HTX trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương, phát triển HTX ở các địa bàn xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế của HTX, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, người lao động và cộng đồng. Bên cạnh đó, định kỳ khảo sát, kiểm tra, đánh giá tổ chức và hoạt động của các HTX; tư vấn, hỗ trợ HTX lập phương án sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ dịch vụ đầu ra cho các HTX.

Trước đó, năm 2019, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ trang thiết bị máy móc, vật tư phát triển kinh tế HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. Việc hỗ trợ trang thiết bị, máy móc nhằm giúp HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và tăng cường kết nối cung cầu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản.

Toàn tỉnh có 140 HTX; tổng số thành viên là 13.000 thành viên; tổng vốn điều lệ gần 290 tỷ đồng, vốn hoạt động là hơn 909 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu bình quân của HTX đạt 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 1 HTX đạt 170 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động trong HTX là 66 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: ĐÔNG PHÚC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202101/suc-bat-cua-kinh-te-tap-the-918981/