Sức bật mới cho các thôn, bản, khu phố sau sáp nhập

Thực hiện Nghị quyết số 89/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, từ tháng 4/2022, các địa phương của Quảng Ninh bắt đầu thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và đến nay đã hoàn thành. Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố lần này tuy mới trải qua một thời gian ngắn, nhưng đã đem lại nhiều lợi ích tích cực, tạo thêm nguồn lực, sức mạnh từ cấp cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương, góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cử tri thôn Khe Muối, xã Yên Than - một trong những thôn được sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn huyện Tiên Yên trong ngày bầu trưởng thôn nhiệm kỳ mới.

Thêm nguồn lực mới

Tiên Yên là địa phương có số lượng thôn, bản, khu phố thực hiện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất tỉnh, với 43 thôn, bản, khu phố giảm đi sau sáp nhập. Đến nay, về cơ bản đời sống của người dân tại những địa bàn thực hiện sáp nhập đã ổn định, người dân phấn khởi, hăng say thi đua lao động, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển mọi mặt.

Thôn Đông Dương (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập thôn Nà Sàn, thôn Đầm Dẻ và một phần thôn Đông Ngũ Hoa. Anh Ngô Tiến Chè, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Sàn, chia sẻ: Vì đáp ứng đầy đủ những nguyên tắc, tiêu chí theo quy định và đặc biệt là sự tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tương hỗ về cơ cấu kinh tế, lao động sản xuất, nên Nà Sàn, Đầm Dẻ và một phần thôn Đông Ngũ Hoa đã được sáp nhập lại với nhau thành thôn Đông Dương. Sau sáp nhập, bà con luôn đoàn kết, hòa đồng, giúp đỡ nhau; các thôn cũ dựa vào tiềm năng, lợi thế riêng có của mình mà hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển. Nhờ đó, thôn Đông Dương đã và đang hoàn thành tốt mọi chương trình, kế hoạch các cấp, ngành đề ra, đời sống của người dân ngày càng ổn định và nâng cao...

Cán bộ thôn Đông Dương, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (bên phải) thăm mô hình kinh tế của người dân trên địa bàn.

Nhờ việc sáp nhập, công tác huy động nguồn lực từ nhân dân trên địa bàn thôn Đông Dương nói riêng và cả xã Đông Ngũ nói chung cũng được cải thiện tích cực, đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Đây là tiền đề rất tốt để xã Đông Ngũ tiến nhanh, tiến chắc trên con đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ Nguyễn Đức Toàn, cho biết: Việc sáp nhập các thôn, bản đã tạo ra thuận lợi lớn cho xã Đông Ngũ trong việc cơ cấu lại ngành nghề khu vực nông thôn, từng bước hạn chế việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới việc tổ chức cho người dân trên địa bàn hợp tác sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Sáp nhập các thôn, bản, khu phố thực sự là một chủ trương đúng đắn, chắc chắn sẽ tạo thêm điều kiện, nguồn lực từ cấp cơ sở để xã Đông Ngũ và toàn huyện Tiên Yên tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT-XH đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cũng giống như Tiên Yên, sau khi sắp xếp, sáp nhập, huyện Bình Liêu từ chỗ có 104 thôn, bản, khu phố đã giảm xuống còn 86 thôn, bản, khu phố. Sau các bước hướng dẫn, thực hiện quy trình lập hồ sơ, thủ tục đề nghị sắp xếp, tổ chức lại thôn, bản, khu phố và lấy ý kiến của người dân về việc thực hiện chủ trương, đến nay, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố trên địa bàn Bình Liêu đã hoàn thành với sự đồng thuận và tin tưởng rất cao từ người dân. Minh chứng rõ nhất là sự thành công của cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố vừa qua trên địa bàn huyện, với tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bầu cử đạt 99,13%.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Sa (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) tuyên truyền cho người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Dương Mạnh Cường, nhấn mạnh: Việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, bản, khu phố sẽ góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xây dựng quy mô thôn, bản, khu phố phù hợp với yêu cầu quản lý, năng lực của cán bộ cơ sở; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt trong tổ chức thôn, bản, khu phố theo quy mô hiện tại. Xác định được tầm quan trọng của nội dung này, huyện Bình Liêu đã thực hiện các bước bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng theo đúng quy định; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, tôn trọng nguyện vọng của nhân dân; tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao nhất của cả thệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Chính vì vậy, chủ trương sắp xếp, sáp nhập đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề để các thôn, bản, khu phố ngay sau khi sáp nhập ổn định hoạt động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Sau sáp nhập, bộ mặt các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện Bình Liêu có sự đổi thay tích cực. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Liêu Hoàng Thị Nghị, chia sẻ: Sau khi sáp nhập 10 khu có quy mô nhỏ thành 5 khu mới, nhiều kết quả khả quan và tích cực đã được ghi nhận trên địa bàn thị trấn. Trước tiên phải kể đến là các chủ trương, chính sách của địa phương đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao hơn trước; việc bố trí các vị trí cán bộ khu được tinh giản và đem lại hiệu quả công việc tốt hơn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm được triển khai thuận lợi, tập trung; các tổ chức đoàn thể có đông hội viên và nguồn lực để triển khai nhiều mô hình, hoạt động phù hợp hơn; khí thế thi đua lao động sản xuất và các phong trào, cuộc vận động đã sôi nổi, thu hút được nhiều người tham gia hơn...

Các tuyến đường liên thôn tại thôn Đông Dương, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Ổn định bộ máy, tạo tiền đề cho sự phát triển

Xác định được tầm quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó coi cán bộ là “gốc rễ” của mọi công việc, ngay sau khi hoàn thành sắp xếp, sáp nhập, các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn, ổn định hoạt động của tổ chức, bộ máy mới, nhằm bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KT-XH ở địa phương.

Trên cơ sở những hướng dẫn của tỉnh, hiện nay, các thôn, bản, khu phố sau sáp nhập đều chính thức hoạt động với bộ máy mới. Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh đều được kiện toàn lại và hoạt động theo đúng chức năng. Các chức danh không chuyên trách cấp thôn cũng được bố trí kiêm nhiệm, đảm bảo đúng số lượng đề ra trên tinh thần kịp thời, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Đặc biệt, ngày 5/6 vừa qua, cùng với các thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh, những thôn, bản, khu phố sau sáp nhập đã tiến hành đồng loạt bầu trưởng thôn, bản, khu phố trong không khí nô nức, phấn khởi, đoàn kết. Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp với tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bầu cử đạt 98,12%, đã chọn ra 1.452 trưởng thôn, khu đủ đức, đủ tài để tham gia gánh vác công việc của địa phương. Những hạt nhân tiêu biểu ở cơ sở được “dân tin” này sẽ được “Đảng cử” làm bí thư chi bộ tại đại hội chi bộ được tổ chức vào ngày 3/7 tới đây.

Khu Bình Quyền (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) tổ chức họp triển khai các phần việc, nhiệm vụ sau sáp nhập.

Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố được tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2017 đã cho thấy những hiệu quả hết sức tích cực. Đây chính là những “hạt nhân” chủ chốt trong mọi hoạt động ở cơ sở, là “cánh tay nối dài”, giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương nắm bắt, ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và xây dựng, triển khai các phong trào, hoạt động tại địa bàn dân cư.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh.

Bà Chu Bích Sen, Trưởng khu Nà Pạ (thị trấn Bình Liêu), cho biết: Ngày bầu cử hồi đầu tháng 6 vừa qua, tôi đã được cử tri trong khu tín nhiệm bầu giữ chức vụ trưởng khu với tỷ lệ đồng thuận đạt 100%. Các chức danh còn lại trong khu cũng đã được kiện toàn đầy đủ. Sau khi có bộ máy mới, chúng tôi đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Trong đó trước hết là tích cực chuẩn bị cho Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 sẽ diễn ra vào ngày 3/7 tới đây. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị báo cáo trình tại đại hội; dự thảo quy chế hoạt động; giới thiệu nhân sự vào chi ủy khóa mới... Cùng với đó, đội ngũ lãnh đạo khu cũng đang nhanh chóng tiến hành xây dựng lại hương ước, quy ước cho hợp lý với điều kiện mới; bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của khu và địa phương. Tất cả các công việc đều nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn từ bà con nhân dân.

Người dân thôn Khe Quang mới (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của xã.

Sau sáp nhập, các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, xáo trộn, nhưng về cơ bản, hoạt động các thôn, bản, khu phố mới trên địa bàn tỉnh đều đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, rõ ràng nhất là việc tăng quy mô các thôn, khu trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lực và nền tảng tốt hơn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời giúp kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thôn, khu đông hơn về số lượng, tốt hơn về chất lượng.

Đặc biệt, cùng với mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh từ cơ sở; tạo thuận lợi lớn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đoàn kết thống nhất cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/them-suc-manh-tu-co-so-de-quang-ninh-ngay-cang-phat-trien-3193134.html