Sức bật mới của thị trường M&A Việt Nam

Dù thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong năm 2023 có sự chững lại, song nhiều dự báo cho rằng sẽ bứt lên trong thời gian tới.

Vốn ngoại chiếm sóng

Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A Việt Nam năm 2023 đã có sự chững lại. Tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức vào chiều qua (ngày 28/11), ông Warrick Cleine, Chủ tịch, Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, thị trường M&A Việt Nam chỉ ghi nhận 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn 2 năm trước.

Song, điểm đặc biệt là giá trị trung bình các thương vụ trong thời gian này ghi nhận đạt 54,5 triệu USD/giao dịch, chỉ thấp hơn mức kỷ lục vào năm 2017 là 57,3 triệu USD, còn lại, giá trị trung bình của năm nay cao hơn nhiều lần so với 2 năm trước đó.

Khác với 2 năm trước, khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, thì năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch. Trong đó, Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.

Phân tích thêm, ông Warrick Cleine cho biết, so với năm ngoái, dịch vụ tài chính và y tế đã thay thế ngành tiêu dùng và công nghiệp về giá trị giao dịch. Mức độ hoạt động này trong các lĩnh vực được săn đón nhiều nhất, nhấn mạnh các cơ hội mà thị trường M&A Việt Nam có thể cung cấp cho các nhà đầu tư chiến lược, bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức hiện nay.

Thực tế cho thấy, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường vẫn ghi nhận một số thương vụ có giá trị “khủng” với sự chi phối của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Thương vụ lớn nhất năm 2023 cho đến nay là việc SMBC của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần đáng kể tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), khi trước đó đã mua FE Credit, một công ty tài chính tiêu dùng, cũng từ ngân hàng này vào năm 2021. Giao dịch này cũng là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Ngành y tế cũng có thương vụ lớn nhất từ trước đến nay, khi Tập đoàn Y tế Thomson, một trong những nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân lớn nhất Singapore, chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện FV. Điều này đánh dấu lần đầu tiên, Tập đoàn Y tế Thomson tiến vào Việt Nam, một thị trường y tế đầy hứa hẹn với dân số đông và thu nhập đang tăng.

Đối với bất động sản, dù môi trường pháp lý còn nhiều thách thức, nhưng các nhà đầu tư chiến lược vẫn tích cực theo đuổi nhiều tài sản bất động sản chất lượng cao và pháp lý chặt chẽ. Thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực này là một nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc với Việt Nam có trụ sở tại Singapore chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược tại BW Industrial, một trong những nhà phát triển công nghiệp và hậu cần lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Dòng vốn chuyển mình, khẩu vị đầu tư thay đổi

Điểm lại những bước tiến quan trọng của thị trường M&A Việt Nam trong 15 năm qua, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhìn nhận, sau khi gia nhập WTO, cùng với nỗ lực đẩy mạnh cải cách của Chính phủ để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, môi trường giao dịch M&A cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Các thương vụ M&A tạm giảm tốc trong các năm 2013 - 2014 do kinh tế Việt Nam bắt đầu ngấm hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007, rồi nhanh chóng bắt nhịp trở lại từ năm 2015, đạt đến đỉnh cao vào năm 2017. Từ năm 2022, cùng với xu thế chung của thế giới, hoạt động M&A tại Việt Nam cũng rơi vào nhịp điều chỉnh mới.

“Cùng với sự lớn mạnh về quy mô, thị trường M&A Việt Nam đã có sự thay đổi về chất với các công ty trong nước trở nên tự tin và chuyên nghiệp hơn, trong khi nhà đầu tư nước ngoài ngày càng xem Việt Nam là thị trường chiến lược quan trọng trong khu vực”, ông Minh nói và cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài chuyển khuynh hướng đầu tư thăm dò sang tìm kiếm các khoản đầu tư chiến lược lâu dài.

Tương tự, ông Warrick Cleine, Chủ tịch, Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia đánh giá, sự tăng vọt đáng kể trong giá trị giao dịch, cùng với việc nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường năm nay có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành mạnh và có chọn lọc.

“Những tài sản có khả năng mở rộng và theo xu hướng khu vực, cũng như nắm bắt được xu thế cung cầu trong nước và thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục thu hút quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Warrick Cleine nhận xét.

Cơ hội vẫn rộng mở

Dù nền kinh tế những tháng cuối năm 2023 và dự báo cả năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động kép từ sự bất định bên ngoài và những hạn chế nội tại, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, chúng ta cũng đã bắt đầu nhìn thấy nhiều dấu hiệu tích cực.

Báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global phát hành mới đây cho thấy, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như suốt năm 2023, nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất, tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, dù ở mức cao hơn và trong thời gian lâu hơn dự kiến, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới, bởi các bên mua sẽ hình dung rõ hơn về chi phí các thương vụ và quyết tâm hơn trong việc theo đuổi.

Ở Việt Nam, thị trường vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Đó cũng là một trong những yếu tố chính mà Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5% như Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 mà Quốc hội vừa thông qua.

“Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói, đồng thời đánh giá giai đoạn khó khăn cũng là lúc thích hợp để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược của mình. Hiện nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay cùng phát triển và M&A là một con đường được ưu tiên lựa chọn.

Còn theo ông Lê Trọng Minh, dù có nhiều ẩn số cần giải đáp, nhưng khả năng phục hồi và tăng tốc trở lại với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới vẫn khá rõ ràng khi xem xét những yếu tố hậu thuẫn mạnh mẽ như việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Trong đó, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam được coi là một địa chỉ hàng đầu, cũng như những lĩnh vực được các nhà đầu tư lớn đặc biệt quan tâm và đang có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ, bất động sản, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn, chip…

Nhìn về phía trước, ông Warrick Cleine đánh giá, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024, được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI, với các giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe, được mở rộng do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng hạ tầng và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số.

Động lực tăng trưởng năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại. Hơn nữa, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025, nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP, là những nền tảng cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến các cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/suc-bat-moi-cua-thi-truong-ma-viet-nam-d203961.html