Sức bật từ một địa phương vùng dân tộc thiểu số

Đến thời điểm này, Nậm Pồ vẫn đang là huyện có tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Thực tế phát triển của huyện trong gần 10 năm qua đã khẳng định, chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn. Huyện phấn đấu giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm bình quân hàng năm từ 6% trở lên. Đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 30%.

Đưa điện lưới quốc gia về xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Đỗ Kiên

Đưa điện lưới quốc gia về xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Đỗ Kiên

Huyện Nậm Pồ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, với 121 bản, dân số toàn huyện là 59.394 người, với 11.552 hộ, toàn huyện có 14 xã khu vực III, 1 xã khu vực I. Là huyện vùng cao biên giới, đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong phát triển kinh tế, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, giảm nghèo thiếu bền vững. Có nơi, đồng bào còn thiếu đất sản xuất hoặc canh tác đất chưa hiệu quả, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nhất là các tuyến đường giao thông.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Với địa bàn miền núi, biên giới có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao (69,18%), trong năm qua, huyện Nậm Pồ đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, huyện tiếp tục thực hiện dự án liên kết hỗ trợ giống ong nội trên địa bàn 2 xã Chà Cang, Chà Nưa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP (mật ong Chà Nưa); dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm sa nhân tím trên địa bàn 2 xã Chà Tở, Nậm Khăn.

Tăng cường rà soát đất đai để khai hoang, phục hóa diện tích lúa nước, lúa 2 vụ được 70,76ha, tăng diện tích mặt nước ao, hồ; giảm dần diện tích lúa nương; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch đào tạo nghề; gắn chăn nuôi đại gia súc với trồng cỏ, chăn nuôi tập trung có chăn dắt, chuồng trại, hạn chế thả rông. Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nâng cao giá trị vật nuôi, cho thu nhập ổn định cho người dân, nhất là các hộ nghèo”.

Trong năm 2022, lĩnh vực phát triển nông lâm ngư nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Tổng diện tích cây lương thực có hạt ước đạt trên 9.000ha; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt gần 23.360 tấn, đạt 100,4% kế hoạch; tổng đàn gia súc toàn huyện ước đạt gần 77.530 con. Phát triển lâm nghiệp có bước phát triển.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 43%; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên được trên 165ha, chăm sóc và bảo vệ gần 1.200 cây hoa ban để kỷ niệm 10 năm thành lập huyện. Toàn huyện hiện có 68 công trình thủy lợi đang hoạt động với trên 96km kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo tưới cho gần 200ha lúa vụ đông xuân và gần 1.000ha lúa vụ mùa. Có 108 công trình nước sinh hoạt tập trung, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa - xã nông thôn mới của huyện Nậm Pồ thông tin: Chà Nưa là xã biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Tổng diện tích tự nhiên hơn 10.100ha, có 6 bản với 677 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 5,50%. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn huyện, sự thống nhất, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa thường xuyên tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của tổ chức đảng các cấp tới cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả; trong năm có 11 chi bộ được đánh giá, xếp loại; kết nạp mới 10 đảng viên.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đã thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Tổng diện tích cây lương thực có hạt đạt trên 379ha, sản lượng lương thực có hạt trên 1.400 tấn, đạt 100% kế hoạch giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm; duy trì 19/19 các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân đóng góp ngày công xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự với hơn 3.250 ngày công. Công tác quốc phòng - an ninh được đảm bảo duy trì.

Cây mắc ca là một trong những cây trồng trọng điểm để phát triển kinh tế tại Nậm Pồ. Ảnh: Bảo Vy

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: Đến hết năm 2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay đạt 371.879 triệu đồng, chiếm 100% tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, tăng 33.945 triệu đồng so với năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,04%. Thông qua vay vốn tín dụng chính sách, đã tập hợp những hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn cùng sinh sống trên địa bàn dân cư, tự nguyện thành lập được 217 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 7.702 hộ vay vốn tham gia sinh hoạt và gửi tiền tiết kiệm.

Hiệu quả của các nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cùng với huyện làm thay đổi đáng kể bộ mặt của nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 50,61%, hộ cận nghèo 7,55% và có 615 hộ thoát nghèo, 89 hộ thoát cận nghèo; đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Với sự huy động cao nhất tiềm năng, nội lực, cùng sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên và các cấp, ngành, nỗ lực phấn đấu sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động (2013-2023), huyện Nậm Pồ đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc. Quốc phòng tiếp tục được củng cố, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; duy trì tốt mối quan hệ với các huyện giáp biên giới của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Kết quả đó góp phần động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong huyện thêm quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đỗ Thành Trung

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-bat-tu-mot-dia-phuong-vung-dan-toc-thieu-so-post461433.html