'Sức ép cạnh tranh tàn khốc như chiến tranh'

Khi môi trường kinh doanh càng thuận lợi cho DN thì cũng gia tăng áp lực cạnh tranh. Sức ép cạnh tranh tàn khốc như chiến tranh, nếu DN không thay đổi để thích ứng sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.

Chủ tọa Hội thảo. Ảnh VGP/Huy Thắng

Đây là ý kiến của TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi, do Báo Diễn đàn doanh nghiệp vừa tổ chức.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nói, doanh nghiệp có 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Cơ hội thứ nhất, thông điệp của Chính phủ rõ ràng về phát triển kinh tế tư nhân, lấy nó làm động lực phát triển kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết. Nhưng cơ hội thứ 2 DN gián tiếp có được là tạo một môi trường kinh doanh, giảm thời gian, chi phí cho DN để DN kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn. Cơ hội kinh doanh cho DN tư nhân cũng sẽ tăng lên.

Nhưng thách thức ở chỗ, một khi môi trường kinh doanh thuận lợi hơn mang lại thuận lợi cho DN thì cũng gia tăng áp lực cạnh tranh.

“Sức ép cạnh tranh tàn khốc như chiến tranh. Nếu DN không thay đổi để thích ứng sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi”, ông Hiếu nhận định.

Đại diện cho cộng đồng DN, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, nhiều dự báo cho thấy trước mắt năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức.

Ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; DN trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Nhìn lại khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm... Thời gian gần đây đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng chỉ ra, dù Việt Nam có gần 700 ngàn DN đang hoạt động, nhưng trên 60% DN vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số DN thành lập mới tăng lên, nhưng số DN ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…

Về định hướng khách hàng, Việt Nam đang đứng ở vị trí 113/128 quốc gia cho thấy đây là những kỹ năng đang rất thiếu. Về khả năng hấp thụ công nghệ: Việt Nam đang xếp thứ 93/128 quốc gia. Số lượng các nhà cung cấp thiếu, chất lượng cũng yếu.

Việt Nam đang xếp thứ 91/128 quốc gia về phát minh sáng chế và khả năng sáng tạo các sản phẩm mới của Việt Nam đang kém xa các nước khác trên thế giới.

Còn ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen cho rằng, mọi số liệu và dấu hiệu đều cho thấy, môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển năm 2018 sẽ tốt hơn 2017 bởi những chính sách của Đảng và Chính phủ đang đi vào cuộc sống.

“Bên cạnh những thách thức đã được nhận diện, tôi cảm nhận rằng năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017” ông Vẻ chia sẻ.

Dưới góc nhìn về cơ cấu doanh nghiệp, TS.Vũ Đình Ánh từ cảm nhận triển vọng phát triển năm 2018 sẽ tốt hơn, cơ hội cho DN sẽ rất nhiều. Nhưng nhìn vào sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân thì thấy chưa tương xứng. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Nhiều DN tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.

“Các DN phải thay đổi tư duy về vốn. Hãy tìm vốn theo nguyên tắc của thị trường tức là không ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, DN nên mở rộng tìm vốn từ thị trường chứng khoán hay thị trường trái phiếu.” TS.Vũ Đình Ánh gợi ý.

Từ góc độ chính sách vĩ mô, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, để thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 5, đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018...

Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi quy định các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức đúng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Qua ý kiến trao đổi, nhìn chung, các chuyên gia có dự cảm năm 2018 là tốt hơn năm 2017. Lý do là các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới hiện nay cũng đang bắt đầu đi vào vận hành. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa rồi tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn 2017.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/suc-ep-canh-tranh-tan-khoc-nhu-chien-tranh/324079.vgp