Sức ép gia tăng có khiến châu Âu áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu?

Liên minh châu Âu (EU) liệu sẽ áp trần giá đối với khí đốt tự nhiên trong thời gian tới, trước áp lực ngày càng tăng từ một số quốc gia thành viên?

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. Ảnh: Reuters/TTXVN

Bàn về cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu, Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo, địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, nhận định trong bài phân tích mới đây rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không áp trần giá đối với khí đốt tự nhiên trong thời gian tới, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ một số quốc gia thành viên.

Điều đó có nghĩa rằng những nước châu Âu nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề vì giá tăng, sẽ vẫn phải tiếp tục vật lộn để có nguồn cung năng lượng.

Bộ trưởng 15 nước thành viên EU, trong đó có Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ba Lan và Bỉ, đã cùng ký vào thư kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra một mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên áp dụng cho toàn bộ khối tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 30/9 vừa qua.

Tuy nhiên, các nước thành viên, trong đó có Đức, Thụy Điển, Hà Lan và Hungary vẫn còn nhiều băn khoăn và nghi ngại về đề xuất này. Họ cho rằng như vậy sẽ tạo thêm khó khăn về nguồn cung bởi các công ty nhập khẩu khí đốt của EU phải cạnh tranh với các nước ở khu vực khác trong bối cảnh nguồn cung khí đốt trên thị trường toàn cầu đang bị hạn chế như hiện nay.

Tại cuộc họp không chính thức của EU hôm 28/9, các nước vẫn còn rất chia rẽ bởi tại sự kiện này, đáng lẽ Ủy ban châu Âu (EC) phải trình bày báo cáo phân tích tính khả thi của việc áp dụng giá trần bán buôn đối với khí đốt trong khối EU thì EC lại đưa ra một báo cáo mà nội dung chủ yếu nhằm cảnh báo rằng việc áp giá trần là rất khó thực thi và sẽ gây ra nhiều rủi ro về an ninh năng lượng cho khối EU.

Tới cuộc họp ngày 30/9, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã thông qua một số biện pháp đỡ gây tranh cãi hơn, trong đó có việc đánh thuế thu nhập đối với các công ty năng lượng và hỗ trợ thanh khoản cho các nhà máy sản xuất, nhưng không đạt được nhất trí đối với kế hoạch áp trần giá khí đốt.

Áp trần đối với giao dịch khí đốt bán buôn có nghĩa là cơ chế này sẽ phải được áp dụng đối với hợp đồng với các nhà cung cấp và cả các giao dịch nội khối của EU. Giữa lúc một số nước EU phải chịu áp lực giá nhiên liệu cao đang vận động để khối EU áp giá trần, nhằm hạ chi phí các hoạt động kinh tế, thì các công ty năng lượng lại phản đối các can thiệp lớn vào thị trường điện và khí đốt bởi họ cho rằng bất kỳ động thái thao túng thị trường nào cũng có thể gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung.

Để thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga, hãng Bloomberg ước tính các nước châu Âu cần phải mua trên thị trường giao ngay gần gấp đôi lượng khí đốt mà họ đã ký mua trong các hợp đồng dài hạn. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải trả giá rất cao cho một lượng khí đốt (hoặc các loại năng lượng khác) đang khan hiếm mà nhiều nước khác, ví dụ các nước Đông Á, cũng muốn mua.

Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 14/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula von der Leyen đã từ bỏ kế hoạch ban đầu là áp trần giá khí đốt trong khối EU và thay vào đó đề xuất các biện pháp mang tính khẩn cấp như đánh thuế thu nhập thêm đối với các công ty năng lượng, đồng thời cắt giảm tiêu thụ điện để đối phó với giá nhiên liệu ngày càng tăng cao.

Đức là nước đặc biệt phản đối kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt bởi nước này có khả năng chi trả tài chính hơn nhiều nước EU khác và đủ khả năng trợ giá cho công dân của họ. Ngày 29/9, Đức công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro để bình ổn giá khí đốt trong nước. Nếu giá trần được áp dụng đối với khí đốt trong Liên minh châu Âu thì Đức sẽ mất đi lợi thế mà họ đang có.

Chi phí khí đốt ở châu Âu lại đang gia tăng trong bối cảnh nhiều lo ngại dấy lên rằng Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt đi qua đường ống ở Ukraine và tạo áp lực lên Ủy ban châu Âu trong việc tìm giải pháp nhằm kiểm soát giá.

Tình trạng cầu bị sụt giảm do giá cả tăng, cộng với những tiến triển trong tìm kiếm nguồn cung đa dạng ngoài Nga của các nước châu Âu đã phần nào làm hạ bớt áp lực trên thị trường năng lượng vốn đang hỗn loạn trong mấy tuần vừa qua, giúp hạ nhiệt giá khí đốt so với mức cao kỷ lục hồi tháng Tám.

Thế nhưng những ngày gần đây, giá lại bắt đầu tăng trở lại sau khi đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) được phát hiện bị rò rỉ khá nghiêm trọng và tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt đi qua Ukraine.

Việc đường ống Nord Stream bị rò rỉ từ hôm 26/9 và 27/9 chưa ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung khí đốt cho châu Âu bởi thực ra hai đường ống này đang tạm thời ngừng hoạt động. Thế nhưng những dấu hiệu cho thấy có "bàn tay phá hoại" đã làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu bởi sự cố hỏng hóc vừa xảy ra đã làm tiêu tan hy vọng rằng đường ống Nord Stream 1 có thể sớm hoạt động trở lại, đồng thời cũng cho thấy hệ thống hạ tầng cung cấp năng lượng cho châu Âu rất dễ bị tác động.

Chỉ vài giờ sau khi sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream 1 được báo cáo, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã khiến thị trường càng náo loạn hơn khi đưa ra cảnh báo các đường ống đi qua Ukraine (hiện là tuyến đường ống duy nhất dẫn khí đốt của Nga tới Tây Âu) có thể bị gián đoạn do tranh chấp pháp lý của công ty này với công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine, khiến giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu tăng vọt thêm 14% ngay trong ngày 28/9.

Sự cố khiến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu càng trầm trọng này xảy ra ngay trước thời điểm nhu cầu khí đốt để sưởi Đông bắt đầu tăng, tạo áp lực buộc EC phải nhanh chóng có biện pháp khẩn cấp hữu hiệu để giải quyết bài toán giá năng lượng cao trước khi đỉnh điểm mùa Đông tới.

Việc Nga đe dọa chấm dứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho EU vào mùa Đông sắp tới khiến EU phải lập tức tìm kiếm các nguồn cung khác. Theo EC, khí đốt của Nga giờ chỉ chiếm 9% tổng sản lượng khí đốt nhập khẩu của EU, giảm nhiều so với tỷ lệ chiếm 41% trong năm 2021.

Nếu đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine bị ngừng thì Tây Âu sẽ bị cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga và chỉ còn đường ống TurkStream chuyển khí đốt tới các nước Nam và Đông Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.

Như vậy, khả năng EU áp giá trần khí đốt chắc chắn không xảy ra trong ngắn hạn, nhưng tình hình nguồn cung không chắc chắn như hiện nay sẽ tiếp tục tạo ra biến động về giá năng lượng trong thời gian tới. Theo kế hoạch hiện đang đàm phán tại Brussels, EU có thể sẽ đặt trần giá linh hoạt, tức là đặt ra các mức giá di động nhỉnh hơn giá các nước khác trả để châu Âu giữ được lợi thế trên thị trường và tránh được các rủi ro liên quan đến nguồn cung.

Dù các nước châu Âu sẽ trả giá cao hơn các nước châu Á thì mức giá đó sẽ vẫn thấp hơn mức giá hiện tại ở châu Âu. Mức trần giá như vậy cũng sẽ giúp cân bằng mức giá mà người mua ở nhiều nơi khác nhau ở châu Âu phải trả, nhờ vậy tránh được cạnh tranh nội bộ (nội bộ khu vực châu Âu) khiến giá có thể tiếp tục bị đẩy lên cao.

Một giải pháp khác mà giới chức EU đang tính toán và đề xuất là các nước thành viên có thể mua chung khí đốt tự nhiên. Cách này cũng mang lại hiệu quả tương tự về mặt kiểm soát giá như đã đề cập ở trên.

Nhưng dù dùng tới biện pháp nào thì việc kiểm soát giá trong nội bộ khối EU cũng đòi hỏi EU phải đưa ra được một cơ chế phân bổ khí đốt cho từng nước mà đây là việc hiện EU chưa làm được. Hơn nữa, chính sách áp trần giá có thể kích cầu bởi người dân lại có động lực để sử dụng khí đốt nhiều hơn, mà điều này lại đi ngược lại kế hoạch mà EU đang đặt ra.

Các nước EU đã đề xuất nhiều mức giá trần khí đốt khác nhau cho toàn khu vực EU nhưng tất cả các đề xuất đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định, ví dụ nếu đặt giá trần đối với khí đốt nhập khẩu của Nga (lựa chọn này giờ đây rõ ràng đã được đánh giá là không khả thi), thì sẽ dẫn đến việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung cấp của Nga; đặt giá trần đối với khí đốt để sản xuất điện sẽ kích cầu sử dụng điện còn áp trần đối với toàn bộ nguồn cung khí đốt thì sẽ làm tăng cầu và gây nguy hiểm cho nguồn cung.

Tới thời điểm hiện tại, EC sẽ vẫn kiên định với mục tiêu tiết kiệm điện và đánh thuế thu nhập đối với các công ty dầu khí, năng lượng để có nguồn thu trợ giá trở lại cho người tiêu dùng cũng như các công ty điện. Tuy nhiên, những biện pháp này không phải là câu trả lời toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Giới chức châu Âu cũng cần phải tìm ra những giải pháp thực sự để trước mắt vượt qua mùa Đông năm nay./.

Hải Vân (P/v TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suc-ep-gia-tang-co-khien-chau-au-ap-gia-tran-doi-voi-khi-dot-nhap-khau/261307.html