Sức ép lạm phát

Những người nhận lương cố định, những người có thu nhập thấp, nhưng ổn định thường có cảm giác này: Ấy là lâu lâu cứ như tiền trong túi mình ít dần đi. Cũng tờ bạc 100.000 đồng ấy, hồi trước mình mua được nhiều thứ, nay thì chỉ mua những thứ rẻ tiền như rau chợ, hay vài món lẻ tẻ khác.

Ngay tiền triệu, hồi trước thấy nó to là thế, giờ cũng thấy... bình thường. Người ta gọi cái cảm giác tiền trong túi người tiêu dùng cứ từ từ bé lại như “miếng da lừa” trong truyện của Balzac ấy là “cảm giác về lạm phát”.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội kỳ họp này, thì tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%/năm. Đó là tính ở tầm vĩ mô, còn trong thực tế, mức độ tăng của “CPI hằng ngày” có khi còn cao hơn. Nguyên nhân sức ép lạm phát, như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, thì có khá nhiều, nhưng có một thực tế này rất cần quan tâm. Đó là, trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 73.103 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể thành công, có thể thất bại, đó là điều không bàn cãi. Nhưng với con số 73.103 doanh nghiệp thất bại chỉ trong 9 tháng năm 2018, thì cần phải xem xét thấu đáo. Trong điều kiện môi trường kinh doanh vẫn như thế, thì không thể có năng lực cạnh tranh cao được. Vì cạnh tranh trong kinh tế thị trường đòi hỏi sự công bằng, còn một khi đã có sự can thiệp của “bôi trơn”, nghĩa là hối lộ, tham nhũng, khi đã có những “sân sau”, những vận hành trong bóng tối của các nhóm lợi ích, thì không thể có cạnh tranh lành mạnh.

Tham nhũng mang tính phá hoại ghê gớm tới nền kinh tế. Khi một đoạn đường cao tốc 134km Đà Nẵng-Quảng Ngãi có giá tới 34 nghìn tỷ đồng, mà mới làm xong đã vá víu. Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi xây dựng bằng phương thức đấu thầu. Nhưng có một đơn vị sau khi thắng thầu, đã bán lại toàn bộ đoạn đường chia ra thành 14 gói thầu, họ bỏ túi tiền chênh lệch (quá lớn), còn lại thì 14 nhà thầu “phụ” chia nhau, mạnh ai nấy làm. Chả trách, mới làm xong đã hỏng.

Một khi tiền xây dựng đổ ra không hiệu quả, thì lạm phát xảy ra từ đó. Những lý thuyết chung về lạm phát có rất nhiều, không chỉ ở Việt Nam mà ở toàn thế giới, nhưng thực tế lạm phát khi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, thì nguyên nhân lại không giống nhau.

Nhưng có một nguyên nhân, mà bây giờ Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang giương ngọn cờ chống lại, đó là chống tham nhũng. Tham nhũng không chỉ đơn thuần nhận tiền “trên trời” rồi thản nhiên bỏ vào túi mình, tham nhũng còn kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy. Trong đó có sự nản lòng, bế tắc của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp start-up (khởi nghiệp).

Nếu chúng ta suy nghĩ cặn kẽ, thì con số 73.103 doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động” trong 9 tháng năm 2018 nói lên rất nhiều điều. Thất bại đồng nghĩa với thất nghiệp. Và thất nghiệp thì tăng sức ép lên nền kinh tế. Đó là nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Một “cửa” của sức ép lạm phát là ở đó.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/201810/suc-ep-lam-phat-2917031/