Sức ép từ Thái...

(TBKTSG) - Kết quả nhập siêu gần 3 tỉ đô la Mỹ từ thị trường Thái Lan trong bảy tháng đầu năm nay, vượt tổng nhập siêu cùng thời gian của cả nước, cho thấy hàng hóa Thái Lan đang tạo sức ép ngày càng lớn lên hàng Việt.

Doanh nghiệp Thái Lan tiếp thị sản phẩm thức uống tại một triển lãm ở TPHCM.Ảnh: Quốc Hùng

Hàng Thái ồ ạt đến

Chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 4 vừa rồi, tập đoàn Carabao chọn Công ty TNHH Thương mại Ngọc Thiên Bảo (một doanh nghiệp có thâm niên phân phối độc quyền một số mặt hàng từ Thái Lan) phân phối sản phẩm của Carabao trên toàn quốc. Nhờ vậy, nước tăng lực Carabao đã sớm có mặt ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên cả nước. Tuy mới gia nhập thị trường Việt Nam nhưng ông Sathien Setthasi, Chủ tịch Carabao Group, đã đặt mục tiêu đạt thị phần nước tăng lực khoảng 20% vào cuối năm 2018. Ông cho biết theo bộ phận nghiên cứu thị trường của Carabao, mặt hàng nước tăng lực ở Việt Nam hiện chỉ chiếm chưa tới 17% thị trường nước giải khát nên vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Và để đạt được mục tiêu vừa nêu, Carabao có kế hoạch rót 200 triệu đô la Mỹ cho dây chuyền sản xuất tự động hóa cao ở Việt Nam, công suất thiết kế khoảng 240 triệu lon/năm.

Gần hơn, hồi đầu tháng 7 vừa rồi, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group cũng đã đưa Trung tâm Văn phòng phẩm B2S (business to school) ở quận Thủ Đức, TPHCM vào hoạt động. Đây là trung tâm văn phòng phẩm cung cấp trọn gói giải pháp B2S - từ doanh nghiệp đến trường học, từ kinh doanh đến học đường. Theo đó, khách hàng có thể mua trọn gói mọi thứ từ bàn ghế, thiết bị máy văn phòng, máy tính... cho đến hầu như toàn bộ các loại vật dụng dùng cho công việc văn phòng. B2S kinh doanh hơn 6.000 loại văn phòng phẩm khác nhau và có đến 80% là thương hiệu của nước ngoài, trong đó chủ yếu là hàng Thái. Central Group Việt Nam đã lên kế hoạch mở khoảng 30 trung tâm B2S tại Việt Nam trong vòng năm năm tới tại các khu trung tâm của các thành phố lớn. B2S là thương hiệu bán lẻ tiếp theo mà Central Group mang vào Việt Nam bên cạnh hàng loạt thương hiệu bán lẻ trước đó mà tập đoàn này đã đầu tư hoặc thông qua mua bán - sáp nhập (M&A), mua cổ phần, nhượng quyền, liên doanh.

Và không chỉ có những tập đoàn lớn, sự “tấn công” mạnh mẽ của hàng hóa xứ chùa vàng vào thị trường Việt Nam còn phải kể đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của nước này. Thông qua hàng chục hội chợ thương mại hàng tiêu dùng Thái Lan ở Việt Nam mỗi năm và dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan, hàng Thái Lan đã và đang ồ ạt “đổ bộ” vào thị trường trong nước, từ thực phẩm, đồ uống, hàng gia dụng, hàng thời trang, thiết bị điện... đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trang trí nội thất, đồ lưu niệm... Là người có kinh nghiệm phân phối độc quyền một số sản phẩm Thái Lan, bà Trần Lê Anh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Thiên Bảo, cho biết công ty của bà thường xuyên tham gia các hội chợ hàng Thái là do các đối tác Thái Lan tài trợ. Theo bà Thy, doanh nghiệp Thái Lan biết tâm lý người tiêu dùng Việt Nam hiện nay lo sợ hàng Trung Quốc kém chất lượng, chuộng hàng Thái nên đầu tư rất nhiều tiền để chiếm lĩnh thị trường.

Hồi cuối quí 4-2016, tờ The Nation của Thái Lan đã liên tiếp công bố các chương trình của Chính phủ Thái Lan hỗ trợ DNNVV mở rộng xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài với các thị trường mục tiêu gồm có Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ vốn với mức trung bình 4%/năm bên cạnh một số chương trình hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực, hợp tác xuất khẩu đã được triển khai từ ba năm trước.

Rau quả... xe hơi

Hàng hóa Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam phần lớn là hàng tiêu dùng. Trong những năm gần đây, Thái Lan đã vượt Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Việt Nam các mặt hàng điện gia dụng và linh kiện. Riêng trong bảy tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tới hơn 590 triệu đô la Mỹ, dẫn đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước này vào Việt Nam.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, cùng thời gian trên, nhóm hàng rau quả Thái Lan xuất sang Việt Nam cũng lên đến 517 triệu đô la Mỹ, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan cũng vượt Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Điều đáng nói, ngay cả những mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như me, sầu riêng, măng cụt, xoài, chôm chôm, bòn bon... cũng bị hàng Thái cạnh tranh khốc liệt. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và Thái Lan đứng ra nhập khẩu chính ngạch, cung cấp các đơn hàng rau quả vào tận các kênh bán lẻ, cửa hàng, chợ truyền thống giúp gia tăng một lượng lớn rau quả nhập khẩu từ nước này sang Việt Nam. Hơn thế, hàng Thái còn được nhiều tiểu thương trưng bày tại các vị trí bắt mắt trên quầy, sạp hàng.

Cũng theo cơ quan hải quan, trong số những nhóm hàng Thái gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam còn phải kể đến ô tô nguyên chiếc với gần 21.900 chiếc, giá trị hơn 393 triệu đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay, tăng 16,1% về lượng và 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 38% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam. Do không cạnh tranh được về chi phí sản xuất, một số liên doanh lắp ráp ô tô trong nước hiện đã và đang ngưng lắp ráp một số mẫu xe để chuyển sang nhập xe Thái Lan. Dự báo khi thuế nhập khẩu về 0% vào đầu năm tới so với mức 30% hiện nay (theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Số liệu của cơ quan hải quan cũng cho thấy trong bảy tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,64 tỉ đô la Mỹ. Ngoài những mặt hàng tiêu dùng, một số nhóm hàng tăng mạnh khác như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xăng dầu các loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng,... Điều này dẫn đến nhập siêu của Việt Nam từ nước này tăng cao, tăng 465 triệu đô la Mỹ so với mức nhập siêu của cùng kỳ năm ngoái, lên gần 3 tỉ đô la Mỹ.

Nhìn nhận sâu hơn về thực trạng này, có thể thấy bên cạnh việc được sự hỗ trợ xúc tiến thương mại, hàng hóa Thái Lan đã và đang chinh phục người tiêu dùng Việt qua sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng và được tiếp sức bởi các ông chủ lớn người Thái Lan đang sở hữu các kênh phân phối lớn ở thị trường trong nước. Không những thế, hàng Thái còn len lỏi tới các chợ truyền thống, các tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện ích... và hầu như là không thiếu thứ gì. Sân nhà của hàng Việt đang dần bị chiếm lĩnh bởi hàng Thái mà theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính là do mức thuế xuất khẩu hấp dẫn 0% với hơn 95% chủng loại hàng hóa và sự lưu thông dễ dàng giữa hai nước nhờ quy định miễn thị thực áp dụng 15 năm qua khiến thương nhân hai nước có thể dễ dàng gặp gỡ, hợp tác phân phối.

Với xu hướng tăng nhập khẩu từ Thái Lan, Tổng cục Hải quan dự báo nhập siêu từ Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164349/suc-ep-tu-thai.html