Sức hấp dẫn của tiểu thuyết lãng mạn giả tưởng

Điều gì đã khiến văn học lãng mạn giả tưởng thu hút độc giả và trở thành mối quan tâm của công chúng giữa đa dạng các thể loại như hiện nay, đó là một trong những nội dung của buổi giao lưu với dịch giả Hoàng Anh tại TP.HCM.

Nhân dịp cuốn tiểu thuyết Cánh tư của tác giả Rebecca Yarros lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt, dịch giả Hoàng Anh - người từng chuyển ngữ các đầu sách bán chạy của tác giả Thụy Điển Fredrik Backman như Người đàn ông mang tên Ove, Những kẻ âu lo, Beartown... đã ký tặng sách và giao lưu với độc giả.

Cánh tư được viết theo thể loại lãng mạn giả tưởng, xoay quanh cô gái tên là Violet Sorrengail (20 tuổi) mắc hội chứng Ehlers Danlos khiến tay chân lỏng lẻo và liên tục bị trật khớp. Một ngày, Violet bị mẹ ruột ép thi vào trường nhằm trở thành kỵ sĩ cưỡi rồng.

Cô phải làm quen với một con rồng, kiên trì rèn luyện để gia nhập binh chủng của vương quốc Navarre. Tham vọng của mẹ Violet là muốn con gái mình trở thành một kỵ sĩ cưỡi rồng và góp mặt vào binh chủng cao cấp nhất của vương quốc Navarre hùng mạnh. Chỉ có điều, Basgiath là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt, bởi một khi đã bước vào, học viên chỉ có hai đường ra: tốt nghiệp hoặc chết.

Tiểu thuyết 'Cánh Tư'.

Tại sự kiện, dịch giả Hoàng Anh nhận định trong những năm gần đây, nhiều độc giả xếp hàng bên ngoài các hiệu sách để cầm trên tay một cuốn sách của thể loại lãng mạn giả tưởng. Đáng chú ý là tiểu thuyết lãng mạn giả tưởng có tất cả dấu hiệu của không gian giả tưởng, phép thuật, thần thoại với số lượng nhân vật lớn... Tuy nhiên, câu chuyện vẫn thiên về tình cảm, tình yêu là trung tâm của tác phẩm.

“Với nhiều độc giả tại Việt Nam, văn học lãng mạn giả tưởng có thể là một thuật ngữ mới mẻ nhưng trên thực tế, thể loại này đã xuất hiện từ lâu và sự phổ biến ngày càng rộng. Điển hình, cụm từ #romantasy (nghĩa là lãng mạn giả tưởng) có khoảng 800 triệu lượt sử dụng trên TikTok. Điều đó cho thấy thể loại văn học này có sức hút lớn đối với công chúng, ngay cả những người ít giao tiếp với xã hội cũng rất thích. Dù bận cả ngày nhưng điều duy nhất họ muốn làm là được thưởng thức một cuốn sách lãng mạn giả tưởng”, dịch giả Hoàng Anh cho hay.

Theo anh, tại Việt Nam nhiều người nghĩ rằng văn học giả tưởng chỉ dành cho trẻ em, tuy nhiên thể loại này dành cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, những tác phẩm lãng mạn giả tưởng chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị, giúp độc giả mở rộng góc nhìn và nuôi dưỡng tâm hồn. Thậm chí, mỗi người có thể tưởng tượng bản thân như các nhân vật trong tiểu thuyết yêu thích hoặc tận hưởng câu chuyện giả tưởng từ vai trò người cảm thụ.

Dịch giả Hoàng Anh (bên phải) tại buổi giao lưu, ký tặng sách cho độc giả.

Ngoài ra, anh còn phân tích 4 thuật ngữ học viện khoa học giả tưởng trong tác phẩm Cánh tư gồm: học viện y học lâu đời chuyên nghiên cứu, chữa trị cho các binh lính; học viện chuyên đào tạo bộ binh, học viện quân khí - chuyên đào tạo cán bộ ghi chép lịch sử và học viện cuối cùng cũng là học viện quan trọng nhất, đó là kỵ binh - chuyên đào tạo chiến sĩ tham gia phòng không, không quân.

Từ kinh nghiệm cá nhân, dịch giả Hoàng Anh còn giới thiệu những vấn đề liên quan đến quy trình dịch sách. Mỗi dịch giả có quan điểm, phong cách chuyển thể khác nhau, có thể bám cấu trúc câu của văn bản gốc hoặc phá vỡ chúng để xây dựng cấu trúc câu thuần Việt. Đối với dịch giả Hoàng Anh, anh lựa chọn cảm xúc phù hợp nội dung tiểu thuyết nhằm thay đổi linh hoạt giữa hai cách làm trên, phát huy tối đa yếu tố lãng mạn giả tưởng của tác phẩm.

Thông qua buổi giao lưu và ký tặng sách tiểu thuyết Cánh tư, dịch giả Hoàng Anh muốn lan tỏa văn học lãng mạn giả tưởng tại Việt Nam, giúp độc giả thư giãn đầu óc và gia tăng óc sáng tạo.

Yến Thơ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/suc-hap-dan-cua-tieu-thuyet-lang-man-gia-tuong-2263102.html