Sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam

Nếu như trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán thế thường xuyên có chung xu hướng vận động thì thời gian gần đây quy luật này không còn nữa. Nguyên nhân nào khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có thể mạnh mẽ chuyển động ngược chiều đến vậy?

Thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển động tích cực trong thời gian qua. Ảnh Intermet.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển động tích cực trong thời gian qua. Ảnh Intermet.

Chuyển động ngược dòng

Ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là tác nhân gây ảnh hưởng mạnh tới tình hình kinh tế thế giới nói chung. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính sách tiền tệ và tài khóa của mỗi nước và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây sẽ là những yếu tố ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán.

Thực tế, thị trường chứng khoán thế giới đang chuyển động không mấy tích cực. Đơn cử như việc thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu tuần đến nay đã khởi động không mấy thuận lợi khi tại phiên giao dịch chứng khoán ngày 23/9, chỉ số Dow Jones giảm tới 524 điểm, tương đương 1,92%; chỉ số S&P 500 cũng giảm 2,38%; chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,02%. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm liên tiếp trong nhiều phiên gần đây khiến tính từ đầu tháng đến nay cả 3 chỉ số đều sụt giảm đáng kể.

Còn tại châu Á, các chỉ số lớn như Hang Seng, Nikkei 225, Shanghai Com, Singapore Straits Times... cũng thường xuyên chìm trong sắc đỏ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang chuyển biến tích cực khi vượt mốc 900 điểm - ngưỡng cản gây khó khăn nhất trong nhiều tháng qua. Tính đến 10 giờ ngày hôm nay (24/9), VN-Index vẫn vững vàng ở mốc 912 điểm. Như vậy, tính chung từ đầu tháng 9 tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 3%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định hơn rất nhiều, ngay cả trong diễn biến tiêu cực của dịch bệnh thì dòng tiền đầu tư cũng không bị yếu đi mà còn trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đáng chú ý, chính sự ổn định của thị trường chứng khoán Việt đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến phiên giao dịch chứng khoán ngày 23/9, khối ngoại đã mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh những yếu tố khả quan tác động đến thị trường còn thiếu vắng.

Chờ đợi dòng vốn ngoại

Trong một báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới là Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã thông báo hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi ((Emerging Markets - EM) cho tới kỳ đánh giá và phân loại thị trường bán niên vào tháng 11/2020. Do đó, Việt Nam sẽ phải chờ tới sớm nhất là tháng 11/2020 để trở thành nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên (Frontier Markets - FM) của MSCI.

Theo báo cáo của MSCI, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Market 100 Index có thể được nâng lên lần lượt là 25,2% và 30% từ 17,2% và 12,2% hiện tại.

VNDirect cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất khi Kuwait chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi do tỷ trọng của Việt Nam hiện lớn thứ 2 trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index (chỉ xếp sau Kuwait).

Dựa trên dữ liệu ngày 14/09/2020, VNDirect ước tính chứng khoán Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD từ các quỹ ETF hiện đang mô phỏng hai chỉ số thị trường cận biên của MSCI kể trên (giả định giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF duy trì ổn định ở mức hiện tại). Quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam có thể còn lớn hơn, lên đến 200-210 triệu USD, nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động. Dòng vốn ngoại này sẽ góp phần củng cố dòng tiền trên thị trường cũng như tạo tâm lý hứng khởi trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước.

VNDirect cho biết, các cổ phiếu Việt Nam hiện đang có trong danh mục của MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ được các quỹ ngoại theo dõi các chỉ số thị trường cận biên mua ròng sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đang chiếm tỷ trọng cao như VNM, VIC, VHM, MSN, VRE, HPG và VCB.

Theo VNDirect, trong kịch bản tích cực, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2021 thì Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ review thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.

Trong kịch bản lạc quan, kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2021.

Bảo Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/suc-hut-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-133946.html