Sức hút sân bóng đá cỏ nhân tạo

Phong trào luyện tập, thi đấu bóng đá ngày càng phát triển, đặt ra yêu cầu về sân bãi ngày càng cao. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo bài bản. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người đam mê bóng đá, thúc đẩy phong trào thể dục - thể thao tại các địa phương ngày càng phát triển.

Xã hội hóa sân chơi thể thao

Những năm gần đây, công tác xã hội hóa thể dục - thể thao phát triển ở nhiều địa phương. Cùng với sự xuất hiện của nhiều sân chơi thể thao, sân bóng đá cỏ nhân tạo được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng ở thành thị và nông thôn. Từ đó, góp phần cho phong trào luyện tập môn bóng đá phát triển, đáp ứng sở thích của nhiều người.

Khoảng 4 năm nay, sân bóng đá Sống Khỏe (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) trở thành điểm hẹn của những người đam mê. Đây còn là nơi tổ chức các giải thi đấu vào dịp lễ, Tết. Chị Huyền Đỗ (chủ sân bóng đá Sống Khỏe) cho biết, có 4 sân mi-ni thi đấu 5 người, mỗi ngày đón khoảng 20 - 24 người đến tham gia luyện tập, thi đấu. Các “cầu thủ” gồm nhiều thành phần, từ cán bộ, nông dân, học sinh, nhiều nhất là thanh niên.

“Người dân ở xã cù lao rất đam mê đá bóng, nên việc mở sân cỏ nhân tạo giúp bà con có điều kiện luyện tập thể thao. Tuy nhiên, đây là một trong những khó khăn của sân bóng, khi khó thu hút người dân ở các địa phương khác đến thi đấu” - chị Huyền Đỗ chia sẻ.

Khảo sát tại nhiều địa phương, hầu hết các sân bóng đá mi-ni đều do các tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương thức xã hội hóa, được đầu tư bài bản với hệ thống thoát nước, lưới quanh sân chắc chắn, cỏ nhân tạo tốt, độ bền cao. Hệ thống đèn chiếu sáng bảo đảm phục vụ người chơi buổi tối. Nhiều chủ sân còn giảm giá cho học sinh, phục vụ nước uống miễn phí. Đa số người đến sân cỏ nhân tạo đều nhận xét ưu điểm của loại sân này là sạch sẽ, giúp người chơi thoải mái và dễ dàng thực hiện các kỹ thuật đá bóng…

Các sân bóng đá cỏ nhân tạo đã đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục - thể thao của người dân

Không chỉ ở thành thị mà khu vực nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều sân chơi này. Với giá thuê sân không quá đắt, nên các sân bóng thường xuyên nhộn nhịp người chơi. Không chỉ thanh niên, mà còn có những nông dân ở độ tuổi trung niên tham gia khá đông. Ngoài ra, nhờ có sân bóng đá mi-ni, mà nhiều giải thi đấu giao hữu được tổ chức. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa các đơn vị, địa phương…

Thỏa mãn đam mê

Trên địa bàn huyện Chợ Mới, thời gian gần đây, các sân cỏ nhân tạo thi nhau “mọc” lên. Điều này đáp ứng nhu cầu, sở thích, niềm đam mê bóng đá, góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Tại xã Hòa Bình hiện có 2 hộ cho thuê dịch vụ sân bóng đá cỏ nhân tạo mi-ni, với 3 sân thi đấu 5 người. Mỗi ngày, những sân bóng đá này thu hút sự tham gia, luyện tập của khoảng 80 người. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 1 sân bóng đá thi đấu 11 người và 1 sân thi đấu 7 người, thu hút khoảng 120 vận động viên tham gia mỗi ngày.

Anh Nguyễn Thanh Tân (cán bộ văn hóa - xã hội, xã Hòa Bình) cho biết, các sân bóng đá, đặc biệt là sân bóng đá cỏ nhân tạo hoạt động rất hiệu quả, thu hút đông đảo người dân. Từ các sân chơi này đã phát hiện, cung cấp nhiều vận động viên để tham dự các giải đấu do huyện, tỉnh tổ chức…

Đến với sân bóng đá cỏ nhân tạo Mỹ Kim (xã Hòa Bình) vào buổi chiều, chúng tôi cảm nhận được không khí luyện tập sôi nổi, hào hứng từ những cầu thủ “nghiệp dư”. Trò chuyện với chúng tôi khi vừa ra sân nghỉ ngơi, anh Lê Thanh Hoàng cho biết, cố định vào mỗi chiều thứ năm, anh cùng nhóm bạn đến đây. Tham gia luyện tập thường xuyên, anh Hoàng thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe dẻo dai, làm việc hiệu quả hơn.

Anh Hoàng cho biết thêm, anh rất thích bóng đá. Nhưng trước đây, vì không có địa điểm chơi ổn định, nên không tham gia luyện tập thường xuyên. Từ ngày có sân cỏ nhân tạo, anh rất hào hứng. “Sân có thể thi đấu cả buổi tối nhờ được trang bị dàn đèn đủ ánh sáng. Hơn nữa, chất lượng mặt sân tốt còn giúp chúng tôi thể hiện được kỹ năng chơi bóng của mình, hạn chế tối đa chấn thương có thể xảy ra” - anh Hoàng chia sẻ.

Có thể thấy, việc xuất hiện các sân bóng đá cỏ nhân tạo, đặc biệt ở khu vực nông thôn không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe, giúp cho giới trẻ có nơi sinh hoạt lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội; phát triển phong trào bóng đá tại các địa phương.

MINH ĐỨC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/suc-hut-san-bong-da-co-nhan-tao-a369457.html