Sức hút, sức lan tỏa từ một đề tài lớn

Sau 10 tháng phát động, Cuộc thi viết về chủ đề 'Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh' năm 2019 trên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã kết thúc. Không chỉ thu hút đông đảo số lượng tác giả, tác phẩm tham dự, cuộc thi góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tôn vinh truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng và những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Thu hút đông đảo nhà báo, cộng tác viên tham gia

Trong những năm qua, Báo QĐND đã tổ chức nhiều cuộc thi nhằm tôn vinh truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam và những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Đó là: Cuộc thi phóng sự báo chí viết về đề tài “Quốc phòng toàn dân và LLVT nhân dân” (năm 2002-2004); Cuộc thi viết về chủ đề “Giáo dục quốc phòng và lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam thời kỳ đổi mới” (năm 2007); Cuộc thi viết về “Những kỷ vật kháng chiến” (năm 2009)… Tiếp nối truyền thống của một cơ quan báo chí có bề dày kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Báo QĐND chính thức phát động Cuộc thi viết về chủ đề “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2019).

Tính từ ngày phát động cuộc thi (19-3) đến ngày 22-12, Ban tổ chức đã nhận được hơn 150 tác phẩm dự thi, trong đó lựa chọn, đăng tải gần 100 tác phẩm trên 3 ấn phẩm: Báo QĐND hằng ngày, Báo QĐND Cuối tuần và Báo QĐND điện tử. Cuộc thi đã thu hút nhiều cộng tác viên (CTV) trong và ngoài quân đội tham gia; tiêu biểu như: Vũ Văn Duy (Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân), Đào Duy Tuấn (Báo Quân khu 2), Nguyễn Thành Trung (Báo Phòng không-Không quân)… Cuộc thi cũng tạo sức hút, sức lan tỏa đến nhiều CTV trên khắp vùng miền đất nước, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đó là các CTV: Nguyễn Văn Huân (tỉnh Điện Biên), Nguyễn Thị Quỳnh Anh (tỉnh Đắc Lắc), Nguyễn Lữ Thu Hồng (tỉnh Gia Lai), Biện Văn Cường (tỉnh Long An)…

 Phóng viên Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phỏng vấn bộ đội trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Minh Trường.

Phóng viên Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phỏng vấn bộ đội trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Minh Trường.

Phản ánh toàn diện sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng

Sau 75 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống vẻ vang. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thực tiễn đã chứng minh quân đội là một môi trường rèn luyện tốt và có sức hút đối với nhiều thế hệ. Khai thác về khía cạnh này có một số tác phẩm như: “Quân đội-Trường học, trường đời thiêng liêng” (Nguyễn Anh Tuấn-Phạm Hoàng Hà-Lê Duy Thành); “Bộ đội Cụ Hồ” (Trần Thế Tuyển); “Tiếp bước con đường của cha” (Quỳnh Anh)…

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm tập trung biểu dương, cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong huấn luyện, công tác và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là các tác phẩm: “Tâm huyết của tiến sĩ trẻ ngành viễn thám” (Trần Đức Uân, bút danh: Lộc Thượng ); “Say học, khổ luyện vì danh dự Tổ quốc” (Vũ Duy); “Anh hùng Hai Trí: Vạn lý tri ân” (Đỗ Bích Thúy); “Bệnh xá nhỏ, niềm tin lớn” (Nguyễn Anh Sơn)…

Khó khăn không ngại, gian khổ chẳng sờn. Ý chí đó của Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được nuôi dưỡng, hun đúc và lan tỏa trong thời kỳ cách mạng mới. Nhiều tác phẩm ca ngợi cán bộ, chiến sĩ quân đội đã khắc phục mọi khó khăn, không ngại hiểm nguy, thể hiện tinh thần xả thân giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đó là các tác phẩm: “Nơi ấy có mìn…” (Văn Tuấn-Dâng Triều); “Gieo mầm sống cho vùng đất chết” (Nguyễn Đức Lưu); “Sự sống sau những chuyến bay cấp cứu biển xa” (Thành Trung-Công Giang)...

Một trong những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ là đức hy sinh. Ca ngợi đức tính cao quý này, một số tác phẩm tôn vinh tinh thần cống hiến, hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, góp phần mang lại niềm tin cho nhân dân như: “Nơi mở lại “những cánh cửa cuộc đời” (Ngô Anh Thu); “205 con nuôi đồn biên phòng” (Kim Anh); “Bên trong dãy nhà không ban công” (Quang Thắng)…

Quân đội ta vì nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ. Tinh thần đó không chỉ thể hiện nổi bật trong thời chiến, mà còn thể hiện sinh động trong thời bình. Bám sát chức năng “đội quân công tác" của quân đội, nhiều tác phẩm phản ánh khá đậm nét các đơn vị quân đội tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là các tác phẩm: “Sắc xanh ân tình” (Việt Hà-Phạm Kiên); “Điểm tựa của lòng dân biên giới” (Nguyễn Văn Huân); “Tình quân dân nơi đầu nguồn biên giới” (Phan Tiến Dũng); “Dấu ấn bộ đội trong lòng dân Nậm Giải” (Hoàng Trung)…

Nhiệm vụ trung tâm của quân đội thời bình là huấn luyện, SSCĐ đã được một số tác giả bám sát thực tiễn ở đơn vị cơ sở để phản ánh tinh thần khắc phục khó khăn, rèn luyện ý chí chiến đấu, nỗ lực nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là các tác phẩm: “Rèn luyện “ý chí thép” cho bộ đội” (Đào Duy Tuấn); “Làm chủ cánh bay, giữ trời Tổ quốc” (Thành Trung-Vũ Duy-Mai Đông-Công Giang)…

Cùng với chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, những năm gần đây, công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đã được nhiều địa phương quan tâm, coi trọng. Phản ánh về vấn đề này, một số tác phẩm đã nêu lên những kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của các địa phương trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là các tác phẩm: “Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biên giới-thực tiễn từ Lai Châu” (Trần Tuấn-Duy Hồng-Ngọc Hân); “Thao trường của lòng dân” (Đào Đức Hanh)…

Dù không nhiều, nhưng cũng có một số tác phẩm chuyên luận đi sâu phân tích, làm rõ những luận cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định bản chất cách mạng tốt đẹp của Quân đội ta; đồng thời đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” quân đội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiêu biểu có vệt 3 bài chuyên luận “Không thể lung lay ý chí, bản chất cách mạng của Quân đội ta” (Nguyễn Văn Hải)…

Thêm một góc nhìn mới mẻ, sinh động về Bộ đội Cụ Hồ

TS, nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), Ủy viên Hội đồng chung khảo cuộc thi cho hay, nhiều tác phẩm dự thi được đầu tư khá kỹ lưỡng về công sức, trí tuệ của người cầm bút. “Tôi khá ấn tượng với một số tác phẩm viết về tinh thần cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội hiện nay. Đọc những tác phẩm như vậy, tôi tin không chỉ riêng mình, mà bạn đọc cũng có thêm những góc nhìn mới mẻ, sinh động hơn về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, TS, nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ.

Từ góc nhìn của một cán bộ từng nhiều năm gắn bó với công tác Đảng, công tác chính trị, Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), Ủy viên Hội đồng chung khảo cuộc thi cho rằng, sức hấp dẫn Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” không chỉ dừng lại ở một đề tài hay, thu hút nhiều cây bút tham dự, mà thông qua cuộc thi còn góp phần khơi dậy tình cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ của các tầng lớp nhân dân đối với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta trong thời kỳ mới.

Có thể nói, kết quả của cuộc thi đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tôn vinh truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới; những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của quân đội 5 năm (2014-2019); những việc làm thiết thực, sáng tạo, hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ Tổ quốc.

Kết quả cuộc thi

01 giải nhất: “Không thể lung lay ý chí, bản chất cách mạng của Quân đội ta” (Nguyễn Văn Hải).

03 giải nhì: “Tâm huyết của tiến sĩ trẻ ngành viễn thám” (Trần Đức Uân); “Anh hùng Hai Trí: Vạn lý tri ân” (Đỗ Bích Thúy); “Quân đội-trường học, trường đời thiêng liêng” (Nguyễn Anh Tuấn-Phạm Hoàng Hà-Lê Duy Thành).

05 giải ba: “Bộ đội Cụ Hồ” (Trần Thế Tuyển); “Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biên giới-thực tiễn từ Lai Châu” (Trần Anh Tuấn-Lê Duy Hồng-Nguyễn Thị Ngọc Hân); “Tiếp bước con đường của cha” (Nguyễn Thị Quỳnh Anh); “Vượt khó, gần dân, giữ bình yên biên giới” (Biện Văn Cường); “Nơi ấy có mìn…” (Phạm Văn Tuấn-Đào Dâng Triều).

10 giải khuyến khích: “Điểm tựa của lòng dân biên giới” (Nguyễn Văn Huân); “Nơi mở lại “những cánh cửa cuộc đời” (Ngô Anh Thu); “Thao trường của lòng dân” (Đào Đức Hanh); “Say học, khổ luyện vì danh dự Tổ quốc” (Vũ Văn Duy); “Nhà trường đặc biệt-chiến công thầm lặng” (Cát Huy Quang); “Rèn luyện “ý chí thép” cho bộ đội” (Đào Duy Tuấn); “Sự sống sau những chuyến bay cấp cứu biển xa” (Nguyễn Thành Trung-Trần Công Giang); “Sắc xanh ân tình” (Nguyễn Việt Hà-Phạm Quang Kiên); “Thiếu úy QNCN Lê Quang Huy: “Hạnh phúc là được sống vì mọi người” (Nguyễn Lữ Thu Hồng); “Dấu ấn bộ đội trong lòng dân Nậm Giải” (Hoàng Đình Trung).

ANH THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-quan-doi-anh-hung-quoc-phong-vung-manh/suc-hut-suc-lan-toa-tu-mot-de-tai-lon-606545