'Sức khỏe' 12 đại dự án 'đắp chiếu': Lối nào cứu gang thép Thái Nguyên?

Đội vốn đầu tư 'khủng', suốt nhiều năm nay, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã và đang trong vòng xoáy khó khăn, xây dựng dở dang, chưa biết ngày nào mới hết cảnh 'đắp chiếu'.

Đến thời điểm hiện tại, TISCO đã hoàn thiện Dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của Dự án với Tổng thầu MCC, đang trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để tiếp tục đàm phán với nhà thầu. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Mất cân đối tài chính nghiêm trọng

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO chính thức được khởi công từ tháng 9/2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ quý I/2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao (từ mức 3.843 tỷ đồng năm 2005 lên mức 8.104 tỷ đồng năm 2013, tăng 4.261 tỷ đồng so với ban đầu-PV). Mặt khác, Hợp đồng tổng thầu EPC ký kết giữa Chủ đầu tư TISCO và Tổng thầu Trung Quốc là Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã phát sinh nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho Dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, do khó khăn về vốn, sản xuất kinh doanh nên trong 3 tháng đầu năm, sản xuất thép của TISCO cán chỉ đạt 185.000 tấn; sản xuất phôi thép đạt 87.200 tấn; sản xuất gang lò cao đạt 47.500 tấn; tiêu thụ thép cán đạt 208.000 tấn; doanh thu đạt 3.535 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng và nộp ngân sách 106 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính gửi các cổ đông đầu tháng 4 vừa qua, lãnh đạo TISCO thừa nhận hiện DN đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại DN nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời. Các số liệu cho thấy, dù vốn điều lệ của TISCO tới cuối năm 2018 là gần 1.937 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm khoảng 82% cơ cấu vốn.

Cập nhật thông tin mới nhất về Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, Bộ Công Thương nêu rõ: Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt chỉ đạo, đến nay đã thực hiện thành công việc rút về 1.000 tỷ đồng vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp vào Dự án, bảo toàn được vốn nhà nước. Song song với đó, Chủ đầu tư đã phối hợp với Tư vấn giám sát APAVE-VNCC tích cực làm việc với nhà thầu MCC, các nhà thầu phụ Việt Nam để rà soát chốt số liệu khối lượng các công việc đã thực hiện, xác định khối lượng công việc cần triển khai tiếp.

Tập trung thoái vốn nhà nước

Hiện nay, khó khăn lớn nhất tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được chỉ ra là chưa xử lý được tồn tại vướng mắc Hợp đồng EPC với nhà thầu MCC. Vì vậy, Dự án vẫn đang xây dựng dở dang, tạm dừng thi công. Việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho khoản vay của TISCO với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vẫn chưa thực hiện được.

Tại Phiên họp của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Với dự án gang thép Thái Nguyên cần làm tờ trình lấy ý kiến các bộ, nên xử lý dứt điểm, đưa dự án về SCIC thì phải tiếp tục xử lý vấn đề. Có 2 vấn đề cần tính toán giải quyết trước khi cổ phần hóa. Một là vấn đề xử lý Hợp đồng EPC, hai là giải chấp khoản bảo lãnh của VnSteel. Các đồng chí ở Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo SCIC sau khi tiếp nhận dự án thì tính thêm cả phương án nếu chưa giải quyết được 2 vấn đề nêu trên, để giảm tổn thất, thiệt hại phải tính toán xem trong điều kiện đó cổ phần hóa được không, tiếp tục thoái vốn nhà nước được không. Bàn giao đi, sau khi về SCIC thì tính toán lại, báo cáo Ban chỉ đạo tiếp tục xử lý”.

Đến thời điểm hiện tại, TISCO đã hoàn thiện Dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của Dự án với Tổng thầu MCC, đang trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để tiếp tục đàm phán với nhà thầu. VNSteel cũng đang tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ và làm việc với VietinBank về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay của TISCO cho Dự án.

Về hướng xử lý Dự án trong thời gian tới, Bộ Công Thương nêu rõ, tập trung triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ theo 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC của Dự án và giải chấp được bảo lãnh của VNSteel cho TISCO tại VietinBank. Trường hợp thứ hai, khi không giải quyết được hai vướng mắc này, báo cáo SCIC để trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN sau khi Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNSteel về SCIC.

Trong năm 2017, mặc dù Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO vẫn đang xây dựng dở dang và bị tạm dừng thi công để giải quyết các vướng mắc, tuy nhiên, giai đoạn I của Dự án vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Sản xuất thép cán 739.390 tấn; tiêu thụ thép cán 744.676 tấn; sản xuất phôi thép 412.012 tấn; sản xuất gang lò cao 168.125 tấn; khai thác quặng sắt 667.673 tấn; khai thác than mỡ qua tuyển 146.237 tấn; doanh thu đạt 9.824 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 121,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 394 tỷ đồng.

Năm 2018, sản xuất thép cán 788.567 tấn; tiêu thụ thép cán 761.901 tấn; sản xuất phôi thép 408.261 tấn; sản xuất gang lò cao 199.834 tấn; khai thác quặng sắt 477.681 tấn; khai thác than mỡ qua tuyển 123.016,43 tấn; doanh thu đạt 12.254,47 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 35,95 tỷ đồng, nộp ngân sách 186 tỷ đồng.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/suc-khoe-12-dai-du-an-dap-chieu-loi-nao-cuu-gang-thep-thai-nguyen-105704.html