Sức khỏe của ngân hàng đầu tiên lên sàn chứng khoán năm 2021

OCB có hiệu suất sinh lời ở nhóm đầu, nhưng tỷ lệ cho vay cao trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và năng lượng bị xem là yếu tố rủi ro theo đánh giá của công ty chứng khoán.

Năm 2020, sàn HoSE chào đón làn sóng chuyển sàn và niêm yết mới của hàng loạt ngân hàng như LienVietPostBank (LPB), ACB, MSB, VIBBank, MSB. Năm 2021, hàng loạt cổ phiếu tân binh ngành ngân hàng dự kiến tiếp tục sẽ lên sàn HoSE. Mở đầu làn sóng này là OCB, ngân hàng chào sàn vào ngày 28/1.

Tuy nhiên, cổ đông của OCB trở thành những người đen đủi nhất ngày hôm đó khi nhà băng này lên sàn đúng vào phiên thị trường chứng khoán giảm kỷ lục trong gần 21 năm. Khi các cổ phiếu lớn giảm sàn 7%, OCB giảm kịch biên độ tới 20% trong ngày chào sàn xuống 18.350 đồng/cổ phiếu.

Sau gần một tháng, cổ phiếu tân binh này tăng giá 14% lên 20.900 đồng. Mức tăng này tương đương đà hồi phục của VN-Index nhưng khá khiêm tốn so với nhiều cổ phiếu ngân hàng khác trong cùng thời gian trên.

Khả năng sinh lời thuộc nhóm đầu

Ở mức giá này, định giá của OCB hiện tại theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là 6,5 theo VNDS. Mức định giá này thấp hơn trung bình ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng có cùng quy mô riêng.

Tổng tài sản của OCB đến hết năm 2020 đạt 152.687 tỷ đồng. Nhà băng này đứng ở nhóm giữa về quy mô tài sản cùng với một số ngân hàng khác như Eximbank (160.435 tỷ), SeABank (167.426 tỷ), MSB (176.698 tỷ), TPBank (206.315 tỷ), LienVietPostBank (242.343 tỷ).

Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời của OCB thuộc vào nhóm đầu của toàn ngành. Năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của OCB lần lượt đạt 4.420 tỷ và 3.535 tỷ đồng. ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) bình quân của nhà băng này là 2,6%, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành 1,5%.

Chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) bình quân của OCB cũng ở mức rất cao 24,4%, vượt mức trung bình ngành 17,5% và chỉ xếp sau VIB trong nhóm các ngân hàng thương mại, theo SSI Research.

 Lợi nhuận trước thuế của OCB. Ảnh: VIS.

Lợi nhuận trước thuế của OCB. Ảnh: VIS.

Chủ tịch HĐQT OCB hiện tại là ông Trịnh Văn Tuấn cũng có thời gian dài làm chủ tịch VIB. Ông Tuấn từng đưa VIB đạt mức tăng trưởng nhanh và đặt mục tiêu tương tự với OCB khi gia nhập ngân hàng này vào năm 2010.

Hiện tại, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn và gia đình đang sở hữu 19,8% cổ phần OCB và là nhóm cổ đông lớn nhất của ngân hàng. Cổ đông lớn còn lại là đối tác Nhật Aozora Bank sở hữu 15% cổ phần.

Hai mặt của nguồn thu từ trái phiếu Chính phủ

Trong cơ cấu tổng thu nhập hoạt động (TOI) của OCB, tỷ trọng thu nhập lãi thuần (NII) năm 2020 chỉ là 62%, thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác. Con số này cũng giảm đáng kể so với mức 88% vào năm 2017. Trong giai đoạn 2015-2020, NII của OCB tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm.

Ngược lại, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng trung bình tới 99%/năm trong cùng giai đoạn này, theo thống kê của chứng khoán VIS. Năm qua, nhà băng này có thu nhập đáng kể từ nguồn kinh doanh trái phiếu, chiếm 23% TOI. Thu nhập từ chứng khoán đầu tư năm 2020 của OCB gần 1.800 tỷ, tăng tới 60% so với cùng kỳ.

Theo SSI Research, nhà băng này chú trọng đầu tư vào nhân sự tốt để đẩy mạnh hoạt động này nên đạt khả năng sinh lời rất cao, đứng thứ hai về thu nhập từ giao dịch trái phiếu Chính phủ trong nhóm các ngân hàng niêm yết dù số dư trái phiếu Chính phủ tương đối nhỏ. Đồng thời, một yếu tố thuận lợi khác là lãi suất trái phiếu Chính phủ dao động mạnh thời gian qua với xu hướng giảm.

“Điều này vừa là điểm tích cực và vừa là điểm tiêu cực vì OCB phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu nhập biến động này hơn các ngân hàng khác. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2021 khó có thể giảm hơn nữa do đã ở mức thấp nhất trong lịch sử. Hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ có thể không sinh lời nhiều vào năm 2021, dẫn đến tăng trưởng TOI chậm lại”, chuyên gia SSI Research nhận định.

OCB có thu nhập cao từ kinh doanh trái phiếu Chính phủ dù dư nợ ở mức thấp so với nhiều ngân hàng. Ảnh: SSI.

Trong khi đó, thu nhập từ phí dịch vụ của OCB chưa đa dạng, phần lớn đến từ hoạt động phân phối bảo hiểm (bancassurance). Hoạt động bancassurance chiếm 67% tổng thu nhập từ phí của OCB năm 2020. Còn thu nhập từ dịch vụ thanh toán chỉ chiếm 7%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 27% tại các ngân hàng khác.

Về tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), OCB nằm trong nhóm các ngân hàng có chỉ số này thuộc hàng thấp nhất, theo VIS. Tỷ lệ CIR của nhà băng này giảm nhanh từ 56% năm 2016 xuống còn chưa tới 30% năm 2020. Đây là một thế mạnh của ngân hàng này so với các đối thủ có quy mô tương đương như VIB, TPBank, MSB, LienVietPostBank.

Rủi ro

Tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trên tổng dư nợ của OCB tăng từ 68% năm 2017 lên 75% năm 2020 do chuyển dịch cho vay sang lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và năng lượng, theo SSI Research. Ngân hàng này bắt đầu tăng cường giải ngân cho vay năng lượng tái tạo kể từ năm 2019 và các dự án năng lượng mặt trời chiếm hơn 30% dư nợ cho vay ngành năng lượng.

Tỷ lệ cho vay ngành khách sạn và năng lượng trên tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 lần lượt là 13% và 10%. Con số này cao hơn mức trung bình toàn hệ thống là 1,8% và 3,5%.

Nhóm phân tích của SSI cho rằng điều này mang đến rủi ro khi lĩnh vực nhà hàng, khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và các dự án điện mặt trời có thể đạt doanh thu thấp hơn ước tính, do khả năng EVN giảm mua điện từ các nhà máy điện mặt trời do quá tải đường truyền. Các yếu tố này có thể tác động đến dòng tiền của dự án, tiến độ thanh toán nợ cho ngân hàng.

Một điểm hạn chế khác của OCB theo VIS là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) còn thấp, ở mức 12% đến cuối năm 2020. Tỷ lệ CASA này thuộc nhóm thấp nhất, chỉ nhỉnh hơn VIB và SHB.

Ảnh: VIS.

Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB hiện tại là 19,5%, gần đạt ngưỡng giới hạn 20% theo bản cáo bạch niêm yết. Tuy nhiên, Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm cổ đông nước ngoài với yếu tố quan trọng nhất là giá. Ngân hàng này đã có danh sách các nhà đầu tư ngoại quan tâm nhưng thủ tục sẽ kéo dài.

Với năm tài chính 2021, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế của OCB có thể tăng 16% lên 5.100 tỷ đồng. Thu nhập từ lãi và từ phí có thể tăng mạnh nhưng TOI sẽ tăng chậm lại do thu nhập từ hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ có thể không còn thuận lợi như 2020.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suc-khoe-cua-ngan-hang-dau-tien-len-san-chung-khoan-nam-2021-post1187887.html