Sức khỏe học đường: Để trẻ không thừa cân, béo phì

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có xu hướng gia tăng và thường tập trung ở khu vực thành thị, trung tâm các thị trấn.

Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có hơn 30,7 nghìn học sinh thừa cân (gần 12,7%) và 16,9 nghìn em béo phì (gần 7%). Nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Bắc Giang, các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang có đông học sinh có thể trạng này. Tỷ lệ thừa cân, béo phì không thay đổi nhiều ở học sinh THCS và chỉ giảm nhẹ ở cấp THPT.

Thầy và trò Trường THCS Hồng Thái (Việt Yên) rèn luyện thể chất, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì.

Tất cả 49 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP Bắc Giang đều có học sinh thừa cân. Riêng bậc tiểu học, TP có hơn 2 nghìn trẻ béo phì. Một số trường tiểu học như: Ngô Sĩ Liên, Trần Phú, Dĩnh Kế, Lê Hồng Phong số học sinh thừa cân, béo phì tăng hằng năm. Qua quan sát, trong giờ giải lao, hầu hết các cháu béo phì thường thích ngồi ở ghế đá sân trường mà ít tham gia vận động, thậm chí còn bị các bạn trêu đùa vì thể trạng... ì ạch.

Ông Đặng Thiều Quang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạng Giang cho biết: Riêng bậc học mầm non trên địa bàn huyện có 156 cháu béo phì. Tỷ lệ này cao ở một số trường như: Mầm non thị trấn Vôi, thị trấn Kép, xã Tân Dĩnh. Hằng tháng, các nhà trường đều tổ chức kiểm tra sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng cho trẻ, căn cứ vào biểu đồ tăng trưởng để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trẻ bị thừa cân, béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng. Ngoài việc ăn các loại thực phẩm có chứa lượng mỡ, đường cao và thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, trẻ lại ít vận động nên năng lượng tiêu hao luôn ít hơn năng lượng nạp vào cơ thể.

Nhiều phụ huynh quan niệm, trẻ cần mập mạp mới khỏe mạnh, đáng yêu nên rất phấn khởi khi thấy con ăn nhiều. Khi các bé bụ bẫm nhưng phụ huynh vẫn chưa quan tâm đúng mức về cân nặng, chế độ dinh dưỡng cho con dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng trầm trọng hơn.

Theo các bác sĩ, thừa cân và béo phì có thể gây ra nhiều bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, dẫn đến các biến chứng về chuyển hóa, nội tiết, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ.

Theo các bác sĩ, thừa cân và béo phì có thể gây ra nhiều bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường dẫn đến các biến chứng về chuyển hóa, nội tiết, đe dọa sức khỏe, tính mạng của các em.

Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường dễ mặc cảm về hình thức, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ, dẫn đến suy giảm khả năng vui chơi, học tập. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm khi nhận thức vẻ ngoài của bản thân khác biệt với bạn bè cùng trang lứa và dễ bị kỳ thị, chọc ghẹo.

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống là hết sức cần thiết giúp cho trẻ phát triển thể lực tốt hơn, phòng tránh các bệnh mạn tính. Khi có dấu hiệu thừa cân, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tầm soát béo phì theo định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng có thể mắc phải. Trẻ bị béo phì không nên dùng thuốc chữa trị giảm cân mà cần giúp các em ăn uống khoa học, giảm dần khẩu phần tinh bột, thịt và tăng cường vận động. Nếu không được can thiệp sớm, trẻ thừa cân sẽ nhanh chóng trở thành béo phì.

Mỗi gia đình thực hiện chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ. Trong đó duy trì bữa ăn đều đặn với nhiều trái cây, rau xanh, giảm khẩu phần tinh bột, thịt, đồ chiên rán. Phụ huynh cho con em ăn đúng giờ, không bỏ bữa, nhất là ăn sáng, hạn chế ăn bữa tối muộn, bổ sung thức ăn giàu canxi giúp phát triển chiều cao và khuyến khích luyện tập các môn thể thao giúp trẻ phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/suc-khoe-hoc-duong/381197/suc-khoe-hoc-duong-de-tre-khong-thua-can-beo-phi.html