Sức khỏe tốt mới hút vốn ngoại

Để ngành NH Việt Nam lớn mạnh, nhiều chuyên gia tin rằng giải pháp tốt nhất là bán vốn cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Bên cạnh đó, để việc tái cấu trúc hệ thống NH thành công và vực dậy NH yếu kém, giải pháp tốt nhất cũng phải thu hút các nguồn lực từ bên ngoài nhằm tận dụng nguồn vốn, kỹ năng quản trị của các nhà đầu tư quốc tế.

Chỉ vài tháng sau khi công bố kế hoạch tăng vốn trong ĐHCĐ vào tháng 4-2016, Vietcombank đã tuyên bố ký hợp tác bán cổ phần cho Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC). Nhưng thật ra từ trước đó khá lâu, NH này đã đề cập đến kế hoạch tăng vốn thông qua việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và tìm kiếm các đối tác. Mục tiêu đến năm 2020, Vietcombank dự kiến tăng vốn chủ sở hữu lên 4,5 tỷ USD từ các nguồn như phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài, trả cổ tức bằng cổ phiếu, mua bán và sáp nhập (M&A).

Thương vụ M&A thứ hai của đối tác nước ngoài trong ngành NH là tại TPBank. Theo đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã đầu tư 403 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD - tương đương 4,99% cổ phần) vào TPBank thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi. TPBank thừa nhận điều này giúp NH có thêm nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển, cũng như cung cấp các khoản vay với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 năm tới.

Trong kế hoạch của BIDV cũng dự kiến gia tăng vốn điều lệ từ nhiều nguồn, trong đó có phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi. Chủ trương này đã được ĐHCĐ năm 2015 phê duyệt, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch trong năm 2016. Đơn vị khác là SCB đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 1.705 tỷ đồng với giá chào bán không thấp hơn mệnh giá cho đối tác nước ngoài. Không những vậy, lãnh đạo NH này còn tiết lộ đã được chấp thuận về mặt chủ trương bán cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ.

Rõ ràng, huy động được nguồn lực tài chính từ khối ngoại luôn là kỳ vọng của các NH trong bối cảnh hiện nay. Sau những thương vụ M&A gần đây của Vietcombank và TPBank, theo đánh giá của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, tình trạng nhức nhối của các NH Việt Nam trong xếp hạng tín nhiệm là vấn đề thiếu vốn. Những NH có hệ số CAR gần mức sàn 9% sẽ phải cần thêm vốn.

Hàng loạt nhà băng lớn nhỏ đều trình kế hoạch tăng vốn trong mùa ĐHCĐ, nhưng phần lớn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Có một điều dễ dàng nhận thấy trong hoàn cảnh hiện nay là phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu lẫn nhà đầu tư bên ngoài không hề dễ dàng. Ngoài Vietcombank, TPBank, chưa có NH nào tuyên bố bán thành công cho đối tác chiến lược.

Phải minh bạch sức khỏe mới thu hút dòng vốn ngoại. Ảnh: LONG THANH

Điều này cho thấy việc tăng vốn của các NH khó có thể chỉ trông mong vào khối nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư riêng lẻ. Trong khi các ngành hàng bán lẻ, tiêu dùng sôi động M&A nhưng trong thời gian qua có rất ít vụ M&A của các NH. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến việc M&A ngành NH kém sôi động do hiện nay đầu tư vào ngành NH không thực sự hấp dẫn. Thực tế cho thấy sức khỏe của các NH vẫn là một điều “bí ẩn”, từ một NH được xem là khỏe mạnh có thể bổng chốc biến thành một NH thua lỗ. Do vậy, việc đầu tư vào NH tiềm ẩn không ít rủi ro. Bên cạnh đó theo chủ trương hiện nay của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước phải dần thoái vốn ra khỏi các NH. Thậm chí ngay cả đối với những NH cũng buộc phải giảm việc đầu tư vào các NH khác. Điều này làm cho nguồn cung cổ phiếu NH bị dư thừa, trong khi đó cầu lại hạn chế.

Do đó, một trong những nguồn vốn được mong chờ nhiều nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn vốn này khi vào Việt Nam cũng gặp không ít rào cản. Hiện nay, room cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu NH đang bị giới hạn ở mức không quá 30%. Tỷ lệ này không hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài bởi không thể chi phối hoặc can thiệp sâu vào quản trị tại các NH. Nhiều ý kiến cho rằng nên nới room cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế mới chỉ được thực hiện ở một số NH riêng lẻ.

Hiện các NH Việt Nam đang khát vốn và giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị. Tuy nhiên, việc huy động vốn trong nước với quy mô lớn chắc chắn là một điều không dễ dàng. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả quản trị với các nguồn lực trong nước cũng không mấy khả thi. Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp cho vấn đề này là M&A những NH nhỏ với những NH lớn để tăng quy mô NH và tái cấu trúc cho NH nhỏ. Nhưng cách này lại không cải thiện được nhiều tình hình tài chính của toàn bộ hệ thống.

Minh Xuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160907/suc-khoe-tot-moi-hut-von-ngoai.aspx