Sức mạnh của những lá thư viết tay

Một đồng nghiệp cũng là người em thân thiết của tôi vừa tạm biệt Việt Nam để sang Thổ Nhĩ Kỳ du học. Trước ngày đi, con trai đưa cho cô ấy mảnh giấy nhỏ, ghi rằng: 'Một bức thư không thể nói hết được. Hãy gọi cho Tôm. Chúc mẹ đi vui vẻ, không bị động đất'. Vài dòng thư ngắn ngủi đã khiến mẹ cậu bé, ông ngoại cậu bé, thậm chí cả người ngoài như tôi được xem thư cũng rưng rưng… Email hay chat đã bao giờ truyền rung cảm sâu như thế? Tôi tự hỏi.

Hoài niệm thư tay

Tôi tin rằng, đồng nghiệp của tôi sẽ giữ gìn bức thư của cậu con trai 9 tuổi như “báu vật”. Nơi xứ người, “báu vật” ấy sẽ sưởi ấm trái tim cô. Tôi làm cuộc khảo sát nhỏ quanh những người thân, người bạn của mình và thu được một đáp án khá ngạc nhiên: Họ đều giữ lại những bức thư tay, cho dù 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn thế.

Nhà phê bình Ngô Thảo thời trẻ và sách “Thư chiến trường”.

Trước khi tiến hành khảo sát, tôi cứ tưởng chỉ mình “lẩm cẩm” mới giữ lại thư tay. Tôi để thư tay trong chiếc cặp số mà cha tôi đã mua cho tôi ngày tôi vào đại học. Cha đã về thế giới bên kia mấy năm nay nhưng những lá thư ông viết cho tôi, khi tôi đang là sinh viên khoa Văn những năm 1996-2000 vẫn còn đây, cả những giọt nước mắt của tôi rơi xuống trang thư làm nhòe nét chữ của ông vẫn nguyên vẹn. Năm 1996, tôi là sinh viên năm thứ nhất. Từ quê nghèo xuống thủ đô học tập không dễ thích nghi với môi trường mới, tôi từng có ý định bỏ học. Bố nhận được thư tôi viết, bày tỏ nguyện vọng bỏ trường, bỏ lớp, ông liền gửi ngay một bức thư dài 4 trang A4 giải tỏa những vướng mắc mà tôi đang phải đối đầu, cuối cùng bố mong tôi nỗ lực hòa nhập, vui vẻ, yêu đời. Một câu trong thư của bố mà tôi thuộc lòng: “Bố mong con là viên ngọc sáng đừng làm viên sỏi lăn dưới chân người”. Sau này thỉnh thoảng tôi lại mang thư xưa ra đọc, vẫn xúc cảm như thuở mười tám, đôi mươi. Có bức thư ông chỉ viết vài dòng, hỏi han sức khỏe, tình hình học tập của tôi và đề nghị tôi đọc bài báo ông đã cắt ra gửi kèm thư. Một trong những bài báo ấy truyền thông điệp, không nên mặc coóc xê khi đi ngủ vì không tốt cho sức khỏe. Khi muốn nhắc con gái những việc tế nhị bố tôi thường cắt báo gửi kèm thư. Những bức thư giờ đây là kho ký ức quý giá của tôi về người cha đã khuất.

Hoài niệm thư tay.

Cũng nhân ngày mở kho ký ức, tôi tìm được bức thư của cháu gái ruột gửi cho tôi cách đây 19 năm: “Dì ơi dì đừng làm tóc xoăn, xấu lắm. Em ứ thích đâu! Ông bà lo cho dì lắm, dì có biết không? Thôi em viết cũng đủ mà mỏi tay, chào dì chúc dì ngủ ngon…”. Đoạn tái bút cháu thông báo tình trạng của bản thân: “Em bị ốm rồi”. Hồi viết thư này cháu gái của tôi mới học lớp 1 nay nó đã 25 tuổi, xa cách hơn với dì, vì đã có đời sống riêng.

Em gái tôi gửi lại cho tôi bức thư tôi viết cho gia đình vào ngày 18/1/2011, khi tôi đang nuôi con nhỏ ốm yếu không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Xem lại bức thư viết cho bố mẹ, người thân ở quê lòng tôi lại nao nao nhớ những ngày tháng cô đơn và gian khó. Em gái tôi bảo, khi bố tôi nằm xuống, cô ấy thu dọn phòng của bố, thấy bức thư của tôi nên đã giữ lại. Hóa ra, em gái tôi cũng giống tôi, cô ấy gom thư tay và những tấm thiệp chúc mừng sinh nhật vào một cái hộp, cất vào két bạc. Két bạc của em gái tôi chẳng có tiền bạc, tài sản gì quý giá, chỉ là chỗ đựng thư tay.

Gõ cửa một người bạn, cô ấy cười, bảo tôi: “Mi hỏi đúng chỗ rồi, ta luôn cất giữ thư tay”. Cô ấy khoe với tôi một bức thư tình: “Th. Yêu! Ngạc nhiên quá phải không em, em đi thăm quan du lịch với cơ quan thật là vui, lại còn được về thăm quê nữa, anh cũng ước ao được như em nhưng lại không được. Em đi chơi xa như vậy mà anh cũng biết là em cũng hết tiền rồi, không có tiền mà đi chơi thì đỉnh cao của sự vui vẻ sẽ bị giảm xuống. Anh muốn em của anh ở một vị trí nào cũng phải là đỉnh cao của sự vui vẻ…”. Đây là một lá thư người con trai thuyết phục bạn gái hãy nhận chút tiền mà người ấy đưa để đi du lịch được vui vẻ, thoải mái. 20 năm đã trôi qua, cô bạn của tôi vẫn giữ lá thư này. Cô còn cho biết, lá thư cô gửi học trò của mình hơn mười năm trước vẫn được gia đình học trò giữ gìn cẩn thận.

Triệu Vẽ, cô giáo dạy văn Trường THPT Trần Quang Khải, TPHCM, giữ rất nhiều thư của học trò gửi cho mình. Triệu Vẽ tiết lộ, cô và các trò vẫn giữ thói quen viết thư tay cho nhau: “Học trò vẫn gửi thư cho mình. Có khi các bạn ấy muốn nói điều thầm kín. Nhất là cuối năm khi ra trường. Có trường hợp học sinh gửi thư cho mình bất cứ khi nào cần tâm sự hoặc muốn tặng mình một món quà nhỏ khi các bạn đi công tác hay đi du lịch”. Triệu Vẽ nhớ lại, năm trước có một học sinh nam bỏ nhà đi vì giận mẹ. Gọi cho cậu không được, nhắn tin không được, cô đã viết một lá thư thật dài, tìm mọi cách gửi cho học trò đang giận mẹ.

Cuối thư Triệu Vẽ viết: “Con hãy bình tâm. Một tuần nữa hãy trả lời cô. Cô và các bạn đợi con”. Sau một tuần cậu học trò ấy đã trở lại trường học. Sức mạnh của thư tay đôi khi vượt ra ngoài sức tưởng tượng của người viết nó.

Thơ Valentine từ ChatGPT

Thời gian qua người người đều nói về ChatGPT. Một giảng viên ngành kỹ thuật đã tạo tài khoản và yêu cầu: “Làm cho bài thơ tặng ngày 14/2 được không?”. Chat GPT đáp: “Tất nhiên, tôi có thể giúp bạn viết một bài thơ tặng ngày 14/2”. Thơ rằng: “Người yêu tôi đẹp như hoa/Ngọt như mơ trong mắt em/Hạnh phúc tình yêu tôi muốn/Cho đến hết đời tôi sẽ tìm/Người yêu tôi xinh đẹp trẻ trung/Vẻ ngoài vô cùng tươi cười/Sự tặng tài chính ân hậu/Đưa tôi đến thế giới hạnh phúc…”. Bài thơ kết thúc như sau: “Cảm ơn người yêu tôi đã cho tôi niềm hạnh phúc/Tôi sẽ yêu người mãi mãi. Chúc mừng Valentine”. Thế mới thấy ChatGPT có thể giải đáp ổn nhiều vấn đề, nhưng vấn đề của trái tim thì thua xa thư tay vạn dặm.

Nói về “trình” giữ thư tay, ít người vượt qua nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Cách đây mấy năm ông trình làng cuốn sách “Thư chiến trường”, in lại những bức thư ông viết cho vợ, cho con trong những năm khói lửa. Một lá thư ông viết cho vợ vào 11 giờ đêm, ngày 22/2/65: “Anh đi mang theo tình em và những điều em mong ước. Anh đi chiến đấu với ý thức rõ ràng về nghĩa vụ của mình nhưng cũng có thể nói là vì em. Anh muốn gởi tặng những kết quả, thành tích của anh, nếu có, cho những người chiến sĩ, cho quê hương, nhưng cũng rất muốn tặng nó cho những người ruột thịt, cho bạn bè, đồng chí và cho em… Em hãy ghi vào đây và vào cuốn sổ của anh những suy nghĩ, băn khoăn tâm tình của em trong thời gian xa cách. Người ta chỉ thẹn thùng vì sự giả dối của bản thân chứ không bao giờ thẹn thùng vì đã viết sự thật…”.

Ai còn viết thư tay?

Trong cuộc sống hôm nay chat xưng “vương”, thư điện tử tung hoành, hình thức trao đổi, gửi gắm tâm tình bằng thư viết tay bị lui vào bóng tối là lẽ tất nhiên. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, người chăm viết thư tay, đã thú nhận: “Tôi vẫn viết thư tay nhưng rất ít khi”. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo cũng chia sẻ: “Đã lâu tôi không viết thư tay”. Có khi người chăm viết thư tay bây giờ chính là trẻ nhỏ. Dịp Noel đứa trẻ nào cũng viết một bức thư nói lên ước mơ, mong muốn của chúng, rất trong sáng và ngộ nghĩnh. Nhiều phụ huynh đã giữ lại những bức thư gửi ông già Noel của trẻ để sau này trao lại cho chúng như tặng “vé” trở về tuổi thơ.

Tôi hỏi cô giáo Triệu Vẽ, cũng là một tác giả chuyên viết tản văn khá “ăn khách” hiện nay ở Sài Gòn: “Bây giờ nhiều tiện ích công nghệ để trao gửi tâm tình khiến thư tay thoi thóp, thậm chí chết, chị tiếc không?”. Triệu Vẽ bày tỏ: “Mình tiếc. Bởi đọc một lá thư tay mình thấy rõ cá tính, cảm xúc thậm chí có khi là sự thay đổi tâm trạng của người viết. Nhất là thư tay gần như không xóa được nên mình nghĩ người viết cân nhắc hơn rất nhiều so với email”. Một cô giáo dạy văn khác cũng đánh giá cao thư tay so với chat, email: “Thư tay cảm xúc tự nhiên, chân thật, dạt dào. Ngôn ngữ mang dấu ấn sáng tạo cá nhân, giàu chất văn học hơn. Thư tay còn khiến người ta hồi hộp mong chờ và cảm hứng dạt dào khi nhận”. Cô giáo xin giấu tên kể, con gái cô, học sinh giỏi môn lịch sử, vẫn giữ thói quen tự viết thư tay cho mình hay viết thư tay cho “thần tượng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người trẻ thích viết thư tay như cô bé này hiện nay không nhiều.

Ngày 14/2 đang đến gần, trên các trang mạng đã nghĩ sẵn lời chúc cho các chàng, các nàng tự do sử dụng. Một lời chúc trên mạng mà tôi vừa lượm được: “Nghĩ về em! Mơ về em! Ôm em! Chúc em mọi điều tốt đẹp! Anh yêu em! Chúc em Valentine hạnh phúc”. Bây giờ người ta yêu nhau nhưng đến lời chúc dành cho nhau cũng lười nghĩ. Chả trách thư tay lắt lay sống.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/suc-manh-cua-nhung-la-thu-viet-tay-post1509292.tpo