Sức mạnh của ý chí đấu tranh

9 giờ ngày 28/7/1971, Đại hội sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam chính thức được khai mạc tại giảng đường B Đại học Khoa học Huế.

Nhà thơ Ngô Kha, Chủ tịch Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung. Ảnh: Tư liệu

Trước đó vào ngày 20/7/1971, tại khuôn viên Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm đã có một số khẩu hiệu được kẻ lên tường và treo lên bằng băng vải, áp phích với những nội dung, như: Đập tan âm mưu quân sự hóa học đường, Sinh viên Huế cương quyết tẩy chay quân sự học đường… Ngày 23 và 24/7/1971, phái đoàn sinh viên học sinh các thành phố bạn đã đến Huế. Ngày 24/7/1971, Ban tổ chức họp trù bị bàn các tình huống tổ chức xuống đường khi đại hội kết thúc.

Sinh viên Lê Văn Thuyên, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế đọc diễn văn khai mạc. Học sinh Lê Văn Nuôi, đại diện Tổng đoàn học sinh Việt Nam đọc diễn văn chính tại đại hội. Sinh viên Nguyễn Hoàng Thọ, Ngô Kha cùng nhiều đại diện tham dự đại hội đã phát biểu ý kiến. Tất cả ý kiến đều khẳng định quyết tâm cùng sinh viên học sinh đấu tranh thắng lợi.

Đại hội cũng đã nghe ông Lê Xuyến, Chủ tịch Ủy ban Chống Bầu cử gian lận đọc lời kêu gọi đồng bào đoàn kết tham gia vào phong trào, kiên quyết tố cáo, chặn đứng mọi sự can thiệp của Mỹ và tay sai vào cuộc bầu cử sắp đến. Các sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Như Lanh tuyên đọc các bản nhận định về tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khẳng định đây là giải pháp tiến bộ nhất từ trước đến nay, thích hợp cho việc giải quyết chiến tranh Việt Nam.

Danh nghĩa là Đại hội sinh viên học sinh Việt Nam, song thực chất đây là Đại hội Mặt trận liên hiệp của các tầng lớp nhân dân nhằm đấu tranh đòi Mỹ rút quân, đòi lật đổ chế độ tay sai Thiệu - Kỳ. Đặc biệt, nét nổi bật của kỳ đại hội này là ngay tại diễn đàn, đại hội đã công khai phổ biến và tuyên bố ủng hộ đề nghị 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về lập lại hòa bình tại Việt Nam. Khối báo chí Tổng hội sinh viên Huế cũng ấn hành 5.000 bản toàn văn Tuyên bố 7 điểm, 1.000 bản Nhận định của sinh viên học sinh miền Nam của Tổng hội sinh viên Huế về nội dung 7 điểm để phổ biến trong Nhân dân.

Đoàn Chủ tịch Đại hội sinh viên học sinh miền Nam, 28/7/1971. Ảnh: Tư liệu

Sau đại hội, sinh viên học sinh Huế đã phân tán đi vào các chợ, các khu dân cư để tuyên truyền nghị quyết của đại hội. Khí thế của đại hội bừng bừng, quy tụ những lực lượng đấu tranh nổi tiếng nhất miền Nam lúc bấy giờ nên chính quyền Thiệu không dám có những động thái, “đổ thêm dầu vào lửa”. Thành công của đại hội đã tạo ra được tiếng vang lớn không chỉ trong mà còn ngoài nước. Đây là sự kiện nổi bật, có ý nghĩa và có tác động lớn trong tình hình miền Nam lúc bấy giờ.

14h30 ngày 1/8/1971, Tổng hội sinh viên thành lập lại Đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh đấu tranh Huế trên cơ sở Đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Huế thành lập từ năm 1970 và tiếp tục cử sinh viên Phan Hữu Lượng, trưởng khối văn nghệ Tổng hội sinh viên làm đoàn trưởng. Ngày 2/8/1971, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế tham gia phái đoàn sinh viên học sinh miền Nam hội đàm với phái đoàn sinh viên phản chiến Mỹ. Hai bên ra Tuyên bố chung, thống nhất quan điểm về vấn đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam, kêu gọi Mỹ và chính quyền Sài Gòn chấp nhận đề nghị 7 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 14/8/1971, Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung chính thức được thành lập tại Huế. Mặt trận do giáo sư Ngô Kha làm Chủ tịch và nhà thơ Thái Ngọc San làm Tổng thư ký, tuyên chiến mạnh mẽ với sự xâm lăng của Mỹ trên lĩnh vực văn hóa. Cơ quan ngôn luận là tập san Mặt trận văn hóa dân tộc, gồm những bài viết có nội dung chống Mỹ rất rõ rệt và đề cao cách mạng Nhân dân; đề cao chủ nghĩa xã hội; đòi quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam, hòa bình cho Việt Nam.

Bình luận về Đại hội sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam tại Huế, sự ra đời của Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung và những sự kiện đặc biệt trong phong trào sinh viên học sinh Huế trong thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8/1971, các tác giả trong cuốn “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 -1975” khẳng định, “đó là sức mạnh của ý chí đấu tranh”. Thực tế, thêm một lần nữa cho thấy vị thế là trung tâm và cái nôi phong trào đô thị của Huế trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/suc-manh-cua-y-chi-dau-tranh-130268.html