Sức mạnh đáng sợ của hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonez-M

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonez-M do Belarus hợp tác với Trung Quốc sản xuất được đánh giá mạnh hơn cả tổ hợp HIMARS lừng danh của Mỹ.

Lữ đoàn pháo binh tên lửa số 336 của quân đội Belarus vừa nhận hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) Polonez-M nâng cấp đầu tiên.

Biến thể này có sức mạnh hỏa lực và tầm bắn ấn tượng có thể so sánh với nền tảng HIMARS của Mỹ và vượt trội sản phẩm cùng loại của Nga.

Được biết Polonez là một tổ hợp pháo phản lực (MLRS) dẫn đường cỡ 300mm được Belarus sản xuất nhằm thay thế cho các hệ thống Uragan cỡ 220 mm và Smerch cỡ 300 mm được sản xuất dưới thời Liên Xô.

Điều đáng chú ý là nguyên mẫu thiết kế Polonez lại có xuất xứ từ hệ thống MLRS A200 do Trung Quốc chế tạo.

Hệ thống Polonez được công khai lần đầu tiên vào năm 2015.

Tầm bắn của đạn Polonez tương đồng với A200, nó vươn tới cự ly 200 km, độ sai lệch 30 - 50 m nhờ hiệu chỉnh đường bay thông qua GPS.

Ngoài ra tổ hợp này còn có thể mang theo 2 container cỡ lớn tương thích tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 (cũng do Trung Quốc phát triển).

Tên lửa M20 có tầm bắn tối đa 280 km, mang theo đầu đạn nặng 480 kg để phù hợp với Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa MTCR khi cấm quốc gia sản xuất bán ra nước ngoài đạn có tầm bắn trên 300 km và đầu đạn trọng lượng quá 500 kg.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây Quân đội Belarus đã chế tạo thành công biến thể nâng cấp của Polonez có tên gọi Polonez-M.

Đây chính là phiên bản sản xuất tại chỗ theo giấy phép dựa trên pháo phản lực A300 của Trung Quốc.

Mặc dù không có nhiều khác biệt về hình dáng nhưng nhờ tối ưu hóa động cơ cũng như thuốc phóng mà tầm bắn của Polonez-M đã lên tới 300 km.

Vòng tròn sai số giảm xuống chỉ còn 10 m trong khi trọng lượng đầu đạn vẫn được giữ ở mức 150 kg.

Như vậy nếu đặt cạnh BM-30 Smerch của Nga thì dễ nhận thấy tuy cùng cỡ đạn nhưng Polonez-M của Belarus bắn xa gấp hơn 3 lần (Smerch chỉ vươn tới được cự ly 90 km).

Hệ thống Polonez-M cũng có khả năng triển khai đa dạng các loại đạn khác nhau cho từng nhiệm vụ riêng biệt.

Truyền thông Nga cho rằng, khi đặt cạnh tổ hợp pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS thì sức mạnh của Polonez-M cũng tỏ ra vượt trội.

Các bệ phóng của Polonez-M mang theo 8 tên lửa mỗi chiếc và toàn bộ loạt đạn của có thể được phóng đi trong vòng 50 giây.

Chỉ mất khoảng 8 phút để chuẩn bị toàn bộ hệ thống và chưa đầy 2 phút để chuẩn bị phóng tên lửa.

Việc nạp đạn lại mất khoảng 20 phút và có thể thực hiện bằng phương tiện vận chuyển-nạp đạn có trang bị cần cẩu.

Một khẩu đội Polonez-M bao gồm 2 bệ phóng, 2 xe vận chuyển và một module điều khiển di động đặt trên khung gầm xe tải của Nhà máy ô tô Minsk (MAZ).

Hệ thống này bao gồm giao diện truyền dữ liệu, cơ chế tự động hóa và liên lạc được bảo vệ do Belarus sản xuất.

Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm một đường truyền tín hiệu vệ tinh và máy tính tích hợp để nhập tọa độ phóng (tự động hoặc ở chế độ thủ công).

Ngoài Belarus, quân đội Azerbaijan cũng vận hành hệ thống Polonez.

Năm 2022, các phương tiện truyền thông suy đoán rằng Nga có thể quan tâm đến việc mua tổ hợp này do Belarus sản xuất.

Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga, ông Dmitry Shugaev đã bác bỏ thông tin này trong cuộc họp báo vào tháng 8 vừa qua.

Ông Dmitry Shugaev cho biết rằng “ở thời điểm hiện tại” Moscow “không quan tâm đến việc mua hệ thống pháo Polonez từ đồng minh Belarus".

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/suc-manh-dang-so-cua-he-thong-phao-phan-luc-phong-loat-polonez-m-post559154.antd