Sức mạnh không ngờ của khẩu 12,7mm Việt Nam nâng cấp

Viện Kỹ thuật Hải quân vừa tổ chức bắn đạn thật nghiệm thu kỹ thuật trên bờ súng 12,7mm điều khiển từ xa do Việt Nam sản xuất để lắp trên hạm.

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quân chủng do Đại tá, Thạc sĩ Hồ Minh Hùng, Trưởng Phòng Vũ khí đặc chủng làm Chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó tham mưu trưởng Hải quân làm chủ tịch.

Súng 12,7mm lắp trên tàu, xuồng sử dụng hệ thống điều khiển từ xa kết hợp camera chỉ thị mục tiêu, đưa đường ngắm trực tiếp trên thân súng vào màn hình điều khiển để xạ thủ ngắm bắn. Bệ súng cũng có thể sử dụng theo cách thông thường là ngắm bắn trực tiếp bằng cơ khí.

Nghiệm thu súng máy 12,7mm điều khiển từ xa.

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá, bệ súng 12,7mm điều khiển từ xa do Viện kỹ thuật Hải quân nghiên cứu thiết kế đảm bảo an toàn, hoạt động ổn định, chính xác, hiệu quả, đủ điều kiện để lắp xuống tàu. Qua đây, khẳng định được khả năng làm chủ Vũ khí trang bị kỹ thuật của đội ngũ cán bộ Viện Kỹ thuật Hải quân.

Nguyên bản súng máy phòng không 12,7mm do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam. Theo thiết kế, xạ thủ sử dụng hệ thống trích khí bằng ba thiết bị gồm một khóa nòng lùi và hai chốt ngang xoay quanh một trục khóa thẳng đứng, gắn với lá chắn vỏ đạn.

Vỏ nòng súng được xẻ rảnh để tăng khả năng làm mát, và được gắn với một bộ phận giảm giật lớn. Dây đạn của súng được thiết kế với 50 viên và cứ 5 hoặc 3 viên đạn xuyên thì gài vào 1 viên đạn lửa có tác dụng dẫn đường trong xạ kích ban đêm hoặc trong môi trường ánh sáng yếu.

Đạn lửa giúp cho xạ thủ quan sát được đường đi của loạt đạn để kịp thời điều chỉnh đường ngắm. Loại đạn này cũng có tác dụng sát thương như đạn xuyên. Đạn 12.7 mm còn có thể xuyên thép 15mm ở cự ly 500m.

Theo thiết kế nguyên bản, kíp xạ thủ của súng gồm 3 người. Khi di chuyển, một người mang thân súng, một người mang (hoặc kéo) chân đế, một người mang đạn.

Một khẩu hoàn chỉnh còn bao gồm một giá 3 chân (dùng cho phòng không) hoặc giá bánh xe (dùng cho bộ binh), một kính ngắm (dùng cho tác chiến phòng không) và thiết bị giảm giật của kính ngắm có thể tháo rời ra được.

Dù vẫn rất hiệu quả trong tác chiến nhưng súng 12,7mm tồn tại nhược điểm khá lớn làm chậm tốc độ tấn công mục tiêu - đó là nạp đạn bằng tay. Để tăng khả năng chiến đấu, ngoài phiên bản trên hạm, Việt Nam đã chế tạo thành công thiết bị lắp đạn rời vào dây băng cho súng.

Để bảo quản, đạn được đóng gói rời trong thùng sắt, khi sử dụng mới được lắp vào dây băng. Quá trình lắp đạn thủ công vào dây băng mất nhiều thời gian. Sử dụng máy lắp đạn giúp nâng cao đáng kể tốc độ lắp đạn rời vào dây băng (lắp bằng máy chỉ mất 1 phút so với hơn 20 phút khi lắp bằng tay).

Máy gồm: Thân, bộ phận lắp đạn và bộ phận kéo dây băng với tổng khối lượng 5kg. Máy có thể sử dụng trong huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật hoặc sẵn sàng chiến đấu.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/suc-manh-khong-ngo-cua-khau-127mm-viet-nam-nang-cap-3327447/